Suốt hai năm ứng phó với dịch bệnh, làng may áo dài Trạch Xá hay Đậu bạc Định Công cùng với các làng nghề khác của Hà Nội gặp không ít khó khăn. Có những lúc, cả làng không nhận được một đơn hàng nào, không một xe hàng nào chạy. Giữ nghề đã khó, cùng nghề vượt qua những khó khăn trong bối cảnh đặc biệt càng khó hơn. Ấy thế mà những nghệ nhân làng nghề chẳng quản ngại, vừa giữ nghề, vừa quảng bá, tiếng lành đồn xa, tinh hoa thành thương hiệu văn hóa. |
Nghệ nhân Đỗ Minh Tám tâm sự: Từ đầu năm 2021, gần như cả làng Trạch Xá đều im ắng, đơn hàng không có, bà con lại tạm dừng khâu may áo để quay lại với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tất nhiên, nông nghiệp có mùa có vụ, những lúc qua mùa vụ, người trong làng lại cần mẫn bảo quản vải vóc, khâu may những sản phẩm đơn giản, chờ ngày các hoạt động được bình thường trở lại. Dù làng nghề chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nghệ nhân Đỗ Minh Tám vẫn tự quảng bá về chiếc áo ngũ thân truyền thống bằng nhiều cách. Ông là thành viên của nhóm Đình làng Việt – có đến hơn 20.000 thành viên – đều là những người rất yêu văn hóa truyền thống của người Việt. Trong nhóm, những bài nghiên cứu chi tiết về lịch sử chiếc áo dài ngũ thân được viết rất công phu, có luận cứ khoa học cụ thể. Những hiểu biết đúng đắn về áo dài được các thành viên chia sẻ có trách nhiệm. Điểm đặc biệt là trong nhóm cũng có rất nhiều người trẻ quan tâm đến áo dài ngũ thân và cùng có chung mong muốn truyền tải những nét đẹp của áo dài truyền thống đến đông đảo mọi người. |
Nghệ nhân Đỗ Minh Tám cho biết, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo Dài Ngũ thân truyền thống thuộc nhóm Đình làng Việt đã hỗ trợ rất nhiều cho những ai yêu mến ái dài ngũ thân thông qua nhiều hoạt động: Từ tổ chức các gian triển lãm, đến tư vấn online cho những ai muốn quan tâm đến áo dài. Qua đây, có đông đảo thành viên đã bằng các hình ảnh rất đẹp, quảng bá áo dài truyền thống đến với bạn bè thế giới. Chính nghệ nhân Đỗ Minh Tám cũng là một thành viên rất tích cực, ông tham dự các hoạt động quảng bá, tự ngồi khâu may, đo đạc cho khách quan tâm. Ông cũng chú trọng quảng bá áo dài ngũ thân trên các trang cá nhân và hội nhóm mình tham gia. |
Còn với nghệ nhân Quách Văn Hiểu, ông như con tằm nhả tơ, rút gan rút ruột để giữ nghề, truyền nghề, tìm cơ hội quảng bá nghề. "Trước đây, có giai đoạn cả làng chỉ có vài người trụ lại với nghề. Nhiều người cứ lo nghề đậu bạc thất truyền. “Ngày ấy, dù khó khăn, nhưng tranh thủ những dịp có triển lãm, hội chợ chúng tôi vẫn cố gắng tham gia để mọi người biết đến nét độc đáo của làng nghề” – Nghệ nhân nói . Ai đã gặp ông ở những triển lãm, hội chợ mới thấy, bàn tay thô ráp vì đậu bạc cũng đang thoăn thoắt giới thiệu về những sản phẩm do chính mình tạo ra. Vượt qua nỗi lo thất truyền, sản phẩm bạc của Định Công giờ được ưa chuộng để làm quà tặng cho khách quốc tế, vì thế, nhiều khách nước ngoài đã tìm đến Định Công để tìm hiểu và đặt hàng. Tuy nhiên, có nghịch lý là dù cầu đang vượt cung, thì làng nghề vẫn... khó phát triển. Bởi theo nghệ nhân Quách Văn Hiểu, cái khó của đậu bạc là do kỹ thuật cao, ngay cả người khéo tay, thì vẫn mất nhiều thời gian học nghề hơn so với nghề chạm bạc. Điều này khiến nhiều bạn trẻ không đủ kiên trì. Vì thế, cũng dễ hiểu là chính những nghệ nhân “lão làng” vẫn thường đóng rất nhiều vai trò, tự sản xuất, tự quảng bá. Giờ đây, bạc Định công cũng xuất hiện nhiều hơn trên các trang mạng xã hội, dù phải cạnh tranh quảng bá rất nhiều với những dòng bạc khác, nhưng đúng là có một sự hồi sinh mạnh mẽ sau quãng thời gian 30 năm gần như biến mất vì cuộc chuyển đổi mang tên “làng ra phố”. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, cho biết: “Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước. Hà Nội cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa nhất cả nước. Hà Nội là thị trường giao lưu làng nghề trong nước và quốc tế có thể nói là lớn nhất bởi vì Hà Nội từ khi xưa là Thăng Long cho đến ngày nay vẫn là Thủ đô của cả nước. Hà Nội có tiềm năng lớn về nghề thủ công của các làng nghề truyền thống.” Tên tuổi các làng nghề như làng kim hoàn Định Công, làng áo dài Trạch Xá, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng nón Chuông, làng sơn mài Hạ Thái, làng quạt Chàng Sơn, làng rối nước Đào Thục, làng hoa Tây Tựu, làng thêu Quất Động… đã nổi tiếng khắp cả nước. Sự tinh tế, tay nghề của các nghệ nhân chính là “hữu xạ tự nhiên hương” để đưa văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long xưa được đến với thế giới. Sau một thời gian miệt mài, việc phục dựng lại áo dài ngũ thân dành cho nam giới đã có nhiều khởi sắc. Nghệ nhân Tám vui vẻ nói, cứ nhìn thấy ai đó mặc áo dài ngũ thân là ông vui lắm. “Đại sứ Phạm Sanh Châu đã đặt may cho toàn bộ nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ mỗi người một chiếc áo dài. Ông cũng là người quảng bá hình ảnh áo dài nam ra thế giới rất nhiều. Từ khi bắt đầu phục dựng lại áo dài cho đến nay số lượng người có nhu cầu may đã tăng dần theo cấp số nhân. Nhìn hình ảnh áo dài ngũ thân mọi người gửi từ khắp nơi về, với tôi, không niềm vui nào bằng”, nghệ nhân cho biết. Giữ gìn nghề truyền thống trong thời buổi bây giờ là rất khó, sẽ có lúc nản lòng nếu không có lòng yêu nghề, dần dần mọi thứ sẽ mai một, sẽ chỉ còn dư âm đọng lại. Vì thế, gia đình nghệ nhân Quách Văn Hiểu đã mở các lớp dạy nghề miễn phí cho tất cả những ai có niềm đam mê với đồ bạc, đặc biệt là kỹ thuật đậu bạc. Bởi nghề qua tháng năm, nghề cần người. Người qua tháng năm, sẽ thêm yêu nghề. Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề định hướng đến năm 2030. Theo đó, đã chỉ ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch; 17 làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài; 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1.500 làng nghề; tạo việc làm ổn định cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn. |
Làng nghề, qua những biến động của tháng năm, qua nhiều biến cố thời cuộc, khó khăn còn đó, cần nhiều tình yêu và sự gắn bó với nghề của chính những “người trong làng”, cần nhiều chính sách hỗ trợ để vượt qua. Nhưng tinh hoa của làng nghề - chính là các nghệ nhân vẫn còn nguyên sự đau đáu giữ nghề, giữ nét truyền thống nguyên bản của dân tộc. Vì thế, niềm tin về nghề và người sẽ luôn theo cùng tháng năm vẫn rất mạnh mẽ! |
Bài 1: Những người “ngược dòng” lưu lại nét xưa giữa dòng chảy ngày nay
Chiếm 1/3 tổng số làng nghề trên cả nước, Hà Nội với khoảng 1350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống ... |