Những ngôi làng bản đầy màu sắc và sức sống tại Vân Hồ, Mộc Châu ngày hôm nay là kết quả của những lần mạnh dạn chuyển mình. Từ những nương ruộng chỉ trồng lương thực hay cây thuốc phiện, giờ đây những làng bản này đã đa dạng hơn nhiều loại hình kinh tế gắn với du lịch cộng đồng. |
Nhắc lại câu chuyện về anh hùng lao động Hà Ngọc Quý, xã Tân Lập ngày nay là một trong những địa phương điển hình của du lịch cộng đồng đại diện cho Mộc Châu. Nhưng ít ai biết được rằng, có những thời điểm một số người ở Tân Lập giữ thói quen trồng cây thuốc phiện, nghiện hút, phát sinh tệ nạn xã hội, gây mất ổn định an ninh trật tự. Có thời điểm người nghiện ma tuý của xã lên đến hơn 200 người, nhiều điểm buôn bán ma tuý. Song nhờ chỉ đạo triển khai quyết liệt của ông Quý với những giải pháp đồng bộ, thuốc phiện đã bị triệt phá, thay thế bằng cây ăn quả và cây chè. “Người Mông ở Tân Lập trước đây có đến hàng nghìn hộ trồng cây thuốc phiện. Khi cán bộ xã vận động thì người dân không muốn bỏ cây thuốc phiện vì nó trước giờ mang lại nguồn thu nhập không nhỏ. Tuy nhiên, xác định cây thuốc phiện là nguyên nhân của cái nghèo và gây ra cái chết trắng nên cán bộ xã đã bằng mọi giá vận động và tuyên truyền. Nhờ sự quyết liệt, xã Tân Lập từ một điểm nóng thuốc phiện trở thành một bản văn hoá” – ông Hà Văn Quyết chia sẻ Đến nay trên địa bàn xã người nghiện gần như không còn, hầu hết các bản trong xã đều được công nhận đạt chuẩn “4 không” về ma tuý. Sau khi lôi người dân ra khỏi cây anh túc, ông Quý dần hướng dẫn họ làm du lịch cộng đồng, tạo kế sinh nhai bên cạnh việc nông nhàn |
Nằm dọc theo Quốc lộ 6, cách cao nguyên Mộc Châu khoảng 15km, bản Hua Tạt của người Mông yên bình giữa đất trời Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Những năm gần đây, bản Hua Tạt được nhiều du khách biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với các Homestay mang phong cách hiện đại, độc đáo nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tây Bắc. Trong đó, tiêu biểu nhất là “A Chu Homestay” của anh Tráng A Chu - người tiên phong làm du lịch cộng đồng của bản làng. Tráng A Chu (SN 1983) tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm của Đại học Bách khoa Hà Nội, là người đầu tiên của bản Hua Tạt có bằng cử nhân. Sau khi tốt nghiệp, Tráng A Chu trở về quê hương, quyết định kiếm sống, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhận thấy hướng phát triển của du lịch Mộc Châu, ngay khi huyện Vân Hồ thành lập năm 2013, A Chu và cha anh - ông Tráng A Súa là những người đầu tiên trong bản đã tự tay phá bỏ vườn mận, vườn đào, vay vốn cùng anh em dựng ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm mô hình Homestay, nhà sàn cộng đồng của Tráng A Chu |
Những ngày đầu, khó khăn không chỉ đến từ điều kiện địa lý mà còn đến từ tư tưởng cổ hủ, những ý kiến trái chiều của nhiều người trong bản vì họ đã quen với nếp sống cũ. Rất may, khi A Chu bắt tay vào làm, anh lại nhận được sự giúp đỡ của lãnh đạo một công ty du lịch, hết lòng hướng dẫn anh trong việc triển khai mô hình. Sau sáu tháng hoàn thiện ngôi nhà và đón khách, dự án đã bắt đầu phát huy thành quả, du khách tìm đến với gia đình A Chu ngày một nhiều. Không chỉ có các du khách tìm đến mà các công ty lữ hành cũng đã coi A Chu là đối tác quan trọng. Cơ sở lưu trú của A Chu may mắn khi được Công ty Du lịch dựa vào cộng đồng Hà Nội lên khảo sát, giúp đỡ kết nối với hơn 50 công ty du lịch lữ hành thường xuyên đưa khách du lịch tới nghỉ. Bình quân mỗi tháng Homestay của A Chu thu hút khoảng 400 - 500 lượt khách tới thăm quan, nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông. Riêng các ngày nghỉ lễ, Homestay của anh luôn kín phòng. Năm 2019 mặc dù dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn nhưng hai vợ chồng cố gắng xây thêm được 5 phòng riêng. Đến nay, A Chu có trong tay cơ ngơi 11 phòng riêng, 2 nhà sàn cộng đồng tiện nghi… với tổng đầu tư lên tới hơn 5 tỷ đồng. Từ khi A Chu triển khai dự án du lịch cộng đồng đã bắt đầu được chính quyền địa phương quan tâm. Cổng chào, con đường vào bản cũng đã được làm kiên cố. Hai bên đường có hệ thống đèn điện chạy bằng năng lượng mặt trời do một đơn vị của Hàn Quốc tài trợ. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cũng đã về khảo sát và tìm hiểu để làm cơ sở nhân rộng mô hình cho các nơi khác. Dự án của A Chu đã mở ra một hướng đi mới cho bà con của bản Hua Tạt. |
A Chu không những là người Mông đầu tiên ở bản Hua Tạt tiên phong làm du lịch cộng đồng mà anh còn hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này. Tráng A Lồng, A Giàng, A Đua, A Sếnh… lần lượt đã đến nhà nhờ A Chu hướng dẫn mình xây dựng mô hình. Cho tới nay, tại bản Hua Tạt heo hút, nghèo khó đã xây dựng được 5 mô hình Homestay. A Chu tâm sự “Mình làm thành công thì cần phải chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cùng bà con. Bà con ở bản phải đoàn kết nâng cao chất lượng các homestay để thu hút du khách đến đông hơn nữa, cùng nhau quyết tâm vượt đói nghèo từ làm du lịch”. Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La) đã từng được coi là thủ phủ của ma tuý vùng Tây Bắc nhưng giờ đây, với sự xuất hiện của những làng bản du lịch cộng đồng, nơi đây như có một luồng sinh khí mới khởi sắc hơn. |
Mộc Châu vốn không phải là cái tên xa lạ trong du lịch Tây Bắc. Khi những thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng hay đồng cải trắng bản sắc đã dần trở nên nhạt bớt thì những cái tên mới như bản Vặt hay bản Tà Số lại nổi lên như một điểm sáng về du lịch cộng đồng. Bản Vặt vốn là một bản nghèo chỉ với những ngôi nhà sàn đơn sơ với 100% hộ dân làm nông nghiệp. Cũng giống như ở nhiều bản làng khác, làm nông nghiệp ở bản Vặt là công việc vất vả đối với gia đình chị Lường Thị Hồng Tươi, thu nhập bấp bênh không tương xứng với công sức bỏ ra. Chị Tươi cho biết, trước đây cũng có vài nhóm khách và họ muốn lưu trú lại nhưng lúc đó bản Vặt nói chung không đủ cơ sở để lưu trú. Dành toàn bộ thời gian để làm nông nghiệp song chỉ đủ sống đồng nghĩa với việc chị Tươi và hầu hết các gia đình trong bản không đủ tự tin và vốn để đầu tư vào kinh doanh du lịch. Chỉ cho đến khi tổ chức AOP, với sự hỗ trợ của dự án GROW do GREAT hỗ trợ, bắt đầu mô hình du lịch cộng đồng tại bản vào năm 2019, mọi thứ trong bản đã thay đổi nhanh chóng. Được sự hỗ trợ từ dự án, nhận thấy du khách đến bản không chỉ tham quan mà còn có nhu cầu nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực địa phương và mong muốn được trải nghiệm cuộc sống như người bản địa, năm 2017, chị Tươi cùng với vài hộ gia đình khác trong bản đầu tư vốn sửa nhà thành nơi lưu trú cho thuê với tên gọi Hoa Mộc Miên Homestay; đồng thời từng bước cải tạo dịch vụ, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách. Ngoài canh tác những cây trồng truyền thống, hai vợ chồng Tươi dành một phần diện tích đất đai của gia đình để trồng thêm dâu tây và gửi mối bán ở thị trường Hà Nội. Nhưng sau đó, vườn dâu tây không chỉ trở thành sản phẩm nông nghiệp có lợi nhuận cao mà còn hút nhiều du khách khi đến tham quan bản Vặt. |
Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, du lịch được mở cửa trở lại, bản Vặt bắt đầu có khách đều, hầu như tuần nào ngày cuối tuần cũng có khách. Riêng Hoa Mộc Miên Homestay của vợ chồng chị Tươi trung bình có khoảng 300 khách/tháng. Hoa Mộc Miên Homestay hiện còn đang hỗ trợ cho 10 lao động chính, chủ yếu là phụ nữ trong bản. Đến nay trên địa bàn bản Vặt đã có 19 hộ gia đình đầu tư vào làm du lịch, đến cuối năm 2019, có trên 2.000 lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng. Các hoạt động đón tiếp, phục vụ và quảng bá cũng được các hộ gia đình chú trọng hơn, qua đó đã tạo được sự hài lòng và ấn tượng tốt trong lòng du khách khi đến với bản Vặt. Chị Đinh Thị Thuận, chủ Homestay, chia sẻ: Gia đình tôi được dự án hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà, nhưng vẫn giữ nét truyền thống của nhà sàn dân tộc Thái; hỗ trợ xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, trồng hoa, làm tường rào, cải tạo khuôn viên xung quanh nhà. Chúng tôi còn được đi tham quan, học tập kinh nghiệm du lịch cộng đồng tại các tỉnh nên cách thức làm du lịch dần chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của du khách khi đặt chân đến bản. Nhờ đó lượng khách đến với chúng tôi tăng lên đáng kể, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng. |
Ở thời điểm chưa có dịch, trung bình mỗi hộ kinh doanh homestay tại bản Vặt thu về khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Bản Vặt xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó có đội văn nghệ với những điệu múa xòe, múa sạp cùng cách thức lan tỏa bản sắc văn hóa lâu đời của cộng đồng người Thái qua từng cử chỉ, câu nói, tục ngữ cha ông. Đáng nói, kể cả ở những thời điểm dịch bệnh bùng phát căng thẳng, nhiều hộ gia đình trong bản Vặt lao đao bởi đó là lúc họ vừa mới bỏ ra khoản kinh phí lớn hoặc phải vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất làm homestay. Nhưng với vận động, đồng hành của chính quyền huyện, địa phương, 100% các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ở bản Vặt đều lạc quan, đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn. Năm 2020, ở những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, bà con rất linh hoạt, chủ động trong cách thức quảng bá, kết nối khách du lịch trong nước thông qua mạng xã hội. Tính trong năm 2020, doanh thu từ du lịch cộng đồng của người dân bản Vặt đạt hơn 1,2 tỷ đồng. Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu Đinh Thị Hường cho biết, sau một thời gian dài vận hành mô hình du lịch cộng đồng, đến nay, cộng đồng người dân tộc Thái ở bản Vặt, xã Mường Sàng đã có thể vận hành tốt mô hình này và dựa vào đó để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ mô hình này, hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã có thêm 4 bản phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng. Trong đó, bản Vặt là nơi đón được nhiều du khách nhất bởi những thuận lợi về đường sá gần trung tâm và cơ bản gìn giữ được bản sắc truyền thống của người Thái. |
Nằm chót vót trên cao cách mặt đường quốc lộ 6 địa phận Mộc Châu chừng 7 km đường dốc mới được đổ bê tông là bản Tà Số. Nhắc đến bản Tà Số, trước đây chỉ là một bản nghèo gắn với làm nông nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, Tà Số lại nổi lên như một viên ngọc thô đầy tiềm năng đối với du lịch cộng đồng. Được sự hỗ trợ của dự án GREAT của chính phủ Úc, các hộ được hỗ trợ vay vốn và bắt đầu sửa sang nhà cửa, xây dựng nơi lưu trú để làm du lịch. Bên cạnh đó, những hộ làm du lịch cộng đồng cũng được tập huấn, truyền đạt kiến thức cơ bản về nghiệp vụ làm du lịch cộng đồng, như: Tổ chức kinh doanh các sản phẩm du lịch cộng đồng, tâm lý và kỹ năng giao tiếp trong phục vụ khách du lịch, đón tiếp và phục vụ khách lưu trú tại nhà, hướng dẫn tham quan cho khách du lịch. Ông Hạng A Páo, bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, Mộc Châu, chia sẻ: “Với 100 triệu đồng vay từ Dự án Great, tôi đầu tư thêm 300 triệu đồng xây dựng 1 nhà nghỉ cộng đồng và 2 phòng nghỉ riêng biệt, khả năng tiếp nhận và đáp ứng nhu cầu lưu trú tối đa 25 khách du lịch, với giá dịch vụ 100.000 đồng/người/ngày nghỉ cộng đồng và 400.000 đồng/phòng/ngày đối với phòng riêng, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho các thành viên gia đình. Mới ban đầu, cũng lo lắm vì cả đời chẳng bao giờ có nhiều tiền như thế. Nhưng khi đón những đoàn khách đầu tiên thì vui lắm”. Anh Mùa A Hạng, Phó Ban quản lý du lịch cộng đồng bản Tà Số, cho biết, Ban quản lý du lịch có 9 thành viên với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường; duy trì, phát huy những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, như: Phục dựng nhà cổ, lưu giữ các nghề truyền thống thêu, rèn... Quản lý, nhắc nhở các hộ kinh doanh Homestay làm nhà ở theo kiến trúc chung của đồng bào dân tộc Mông, thống nhất bảng giá dịch vụ chung, quản lý không để các hộ tự ý tăng giá dịch vụ... góp phần phát triển du lịch cộng đồng bền vững, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào người Mông. |
Hiện nay, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đang tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch nói chung và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nói riêng. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông, cải tạo cảnh quan không gian; đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, tập huấn về chuyển đổi số và các hình thức cách thức triển khai làm du lịch, các sản phẩm và hỗ trợ xây dựng các bản du lịch cộng đồng phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, cho biết, trọng tâm là sẽ phát triển du lịch gắn phát triển nông nghiệp nông thôn và chương trình mục tiêu phát triển quốc gia về nông thôn mới. Đồng thời, tham mưu vận dụng hỗ trợ của Dự án GREAT đầu tư phát triển du lịch cộng đồng ở một số bản đã hình thành và phát triển hiệu quả. Thông qua phát triển du lịch cộng đồng góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo các dân tộc, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững. |
Bài viết: Khánh Huy Ảnh: Khánh Huy - Nam Nguyễn - Viết Niệm - A Chu Thiết kế và trình bày: Khánh Huy |