|
Những năm gần đây, Vân Hồ nổi lên như một viên ngọc mới giữa núi rừng Tây Bắc. Từ những nơi đã từng là điểm nóng của ma tuý hay chỉ là ngọn đồi trọc nay lại trở nên bừng sáng đầy sức sống với từng tốp khách du lịch tìm về để trải nghiệm và thưởng thức văn hoá của miền cao thay cho những cái tên đã dần trở nên “già cỗi” trong du lịch vùng cao. |
Ngày 3/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030. Theo đó, KDLQG Mộc Châu có tổng diện tích tự nhiên 206.150 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, với định hướng phát triển thành trung tâm du lịch trọng điểm.
Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Huyện Vân Hồ nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La với 7 khu du lịch, 10 bản du lịch cộng đồng. Các dự án trong quy hoạch gồm: Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật danh lam thắng cảnh Hang mộ Tạng Mè; danh thắng thác nước Chiềng Khoa, thác Nàng Tiên; danh thắng rừng Pa Cốp; thác Tạt Nàng; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các bản du lịch cộng đồng; đầu tư tôn tạo đền Hang Miếng và các khu di tích lịch sử.
Theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội huyện Vân Hồ tầm nhìn đến 2030 định hướng phát triển với cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp, du lịch - dịch vụ, công nghiệp; hình thành khu đô thị du lịch trung tâm huyện Vân Hồ. Để đạt được mục tiêu, hiện nay Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện đang tập trung lập, hoàn thiện các quy hoạch, ưu tiên thu hút đầu tư; đặc biệt là các dự án phát triển du lịch dựa trên những tiềm năng sẵn có của huyện..
Hiện nay trên địa bàn huyện Vân Hồ đã hình thành các bản làng du lịch cộng đồng như: xã Chiềng Yên; xã Lóng Luông; bản Thín, xã Xuân Nha; bản Suối Lìn, Hua Tạt, xã Vân Hồ, bản Dọi, bản Vặt, bản Tà Số... với cảnh quan, môi trường sống còn lưu giữ được nét sinh hoạt, văn hóa, cùng với các ngành nghề thủ công truyền thống có thể khai thác để tạo thành những sản phẩm du lịch có giá trị, đem lại nguồn thu và sinh kế mới cho nhiều hộ đồng bào các dân tộc.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ Nguyễn Thị Lư cho biết: "Với những tiềm năng, thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi, cũng như giàu bản sắc truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, huyện đã có định hướng về phát triển du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng, du lịch gắn với nông nghiệp trải nghiệm. Để du lịch ngày một phát triển, trong những năm qua huyện đã hỗ trợ các hộ gia đình, các hợp tác xã xây dựng các mô hình vườn cây ăn quả theo hướng VietGAP, an toàn, góp phần cho du khách được trải nghiệm tốt hơn".
Huyện đã phối hợp với các đơn vị, công ty lữ hành tổ chức các lớp tập huấn cho nhân dân về các kỹ năng trồng trọt hữu cơ để phục vụ du lịch, kỹ năng về công tác lễ tân, giao tiếp; tập huấn về kỹ năng du lịch xanh; tập huấn về xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, qua đó đã hình thành các điểm du lịch thu hút khách đến với địa phương.
Với mục tiêu phát triển khu du lịch quốc gia trên địa bàn huyện Vân Hồ trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và vùng Trung du miền núi phía Bắc với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc, trên cơ sở những tiềm năng sẵn có, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của Nhân dân.
Nhắc đến du lịch Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng, không thể không nhắc tới công lao của Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Hà Ngọc Quý – người tiên phong mở đường cho du lịch cộng đồng tại Bản Hoa (xã Tân Lập, huyện Vân Hồ).
Gần 40 năm công tác, trong đó có 15 năm làm Chủ tịch UBND xã, 10 năm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, đến 2015 về nghỉ hưu theo chế độ, nhưng ông vẫn sát cánh cùng bà con dân bản xây dựng cuộc sống mới ấm no. Ông đưa ra quan điểm “ly nông nhưng không ly hương”; bán hết nhà xây kiên cố, xưởng sơ chế bảo quản ngô hàng hóa ở trung tâm xã để về bản Hoa mua 5ha đất vườn đồi, đầu tư xây dựng khu du lịch cộng đồng.
Hiện tại, 3 dãy nhà sàn với khuôn viên rộng thoáng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng đã đi vào hoạt động; con đường vào khu du lịch dài hơn 1km đã được bê tông hóa; hơn 1000m2 ao cá gắn với du lịch sinh thái luôn có hàng tấn cá thịt phục vụ du khách; hơn 3ha vườn trại với hàng nghìn cây cam canh, quýt, nhãn, xoài… xen với đó là những luống chè xanh ngát đã cho thu hoạch. Từ khi đi vào hoạt động từ năm 2014, hàng năm địa điểm này đón hàng trăm đoàn khách du lịch về thăm, nghỉ dưỡng. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách Tây gần như đã không còn nhưng nay khi mở cửa trở lại, lượng khách đã bắt đầu phủ kín cho tới hết tháng 11 năm nay.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiền mỗi năm thu lợi từ cổ phần ở Công ty chè Tân Lập, ông đều dốc vào đầu tư khu du lịch để mở ra hướng làm ăn mới cho bà con học tập. Ông Quý nói: “Muốn bà con nghe và làm theo, mình phải làm trước; muốn bà con thoát nghèo thì mình phải thoát nghèo trước. Bà con giàu thì xã giàu, huyện, tỉnh cũng bớt nghèo. Đừng để dân phải tự mày mò, thất bại thì xót lắm”.
Cùng với bản Hoa, xã Tân Lập cũng có những bản du lịch cộng đồng khác đang ở đà phát triển tốt, điển hình có thể nhắc tới bản Dọi. Nằm cách thị trấn nông trường Mộc Châu chỉ khoảng chưa đầy 30km, với phong cảnh hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, những năm gần đây, bản Dọi, xã Tân Lập (Mộc Châu) đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Trước đó, bản Dọi chỉ là một trong những địa phương tiếp nhận luồng di dân tái định cư từ nhà máy thuỷ điện Sơn La với hàng nghìn hộ dân. Từ một nơi tái định cư, bản Dọi nay trở nên lột xác đổi thay với một sức sống mới. Từ đầu bản, những con đường sạch đẹp, khang trang sạch sẽ là điểm thu hút trước tiên với du khách. Hiện tại, bản Dọi có khoảng 7 hộ đang tham gia làm du lịch cộng đồng, mang lại màu sắc mới cho nơi đây và mở ra một hướng mới có thêm kế sinh nhai.
Trong những hộ đang làm du lịch cộng đồng tại đây, ông Hà Văn Quyết là một trong những người tiên phong mở đường, mạnh dạn chuyển đổi từ làm nông sang kinh doanh mô hình Homestay. Nhìn từ xa, ngôi nhà sàn lợp mái cọ, khuôn viên thoáng mát với rất nhiều hoa phong lan trổ bông rực rỡ, ngay dưới hiên nhà cơ man nào là các loại hoa từ 10 giờ đến cúc cam, đồng tiền đều bung nở đầy màu sắc, ở bên cạnh là vườn cây ăn quả sai trĩu mang lại một cảm giác thanh bình khó tả.
Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 6/2020 nhưng Homestay Hà Quyết đã đón nhiều đoàn khách lớn, có đoàn tới 40-50 người. “Ngày hoạt động đầu tiên, nhà tôi đã đón khách đầu tiên là cặp vợ chồng người Đức tới lưu trú. Mặc dù cơ sở vật chất lúc ấy vẫn chưa hoàn thiện nhưng họ vẫn thích thú vì cảnh sắc đẹp và văn hoá đậm đà bản địa” – ông Quyết nói.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai năm qua Homestay của ông Quyết hoạt động cầm chừng nhưng đến nay đã trở lại hoạt động. Mặc dù chưa có nhiều đoàn khách lớn nhưng khách lẻ theo nhóm vẫn khá đều và ổn định theo tuần.
“Chúng tôi giới thiệu cho du khách những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình. Ban đầu mới làm du dịch, tôi còn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, giới thiệu với du khách, nhất là đối với du khách nước ngoài. Nhờ sự học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình du lịch cộng đồng ở Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), tự học ngoại ngữ trên mạng internet và tích cực quảng bá qua mạng xã hội... đến nay, mỗi năm gia đình tôi đón hơn 500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ làm dịch vụ du lịch cộng đồng, nhiều người có thêm việc làm, thu nhập được cải thiện” – ông Quyết chia sẻ.
Theo ông Quyết, làm du lịch không thể đơn lẻ mà phải dựa vào nguồn lực huy động được. Để làm được điều đó, ông Quyết tận dụng tối đa lợi thế của mạng xã hội, liên kết với các đơn vị lữ hành để đưa khách về nghỉ và lưu trú.
Giữa những muôn trùng “ngôi sao”của du lịch vùng cao Tây Bắc, Vân Hồ tuy đi sau nhưng nhờ có những hướng đi đúng đắn đã sớm bứt tốc trở thành “ngựa ô” trong làng du lịch cộng đồng. Có được những kết quả đó là nhờ sự định hướng đúng đắn và công sức của những người mở đường.
Bài viết, ảnh và trình bày: Khánh Huy |