Khám phá những phong tục đón Tết cổ truyền 'lạ đời' tại châu Á

Cùng tìm hiểu những truyền thống độc đáo trong dịp năm mới ở Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay Indonesia…

Lễ hội té nước

Một nữ du khách bị voi té nước trong lễ hội Songkran ở Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Một nữ du khách bị voi té nước trong lễ hội Songkran ở Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Tại một số quốc gia Đông Nam Á, ngày tết cổ truyền mừng năm mới thường được tổ chức vào khoảng tháng 4 hàng năm.

Được biết đến với tên gọi Songkran trong tiếng Lào và Thái Lan, hay Thingyan theo Myanmar, đây là dịp mọi người sẽ té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng... với ý nghĩa gột sạch những tội lỗi trong quá khứ.

Chính vì vậy mà những người càng được té nhiều nước thì sẽ càng may mắn.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Ngoài ra, người ta còn nấu các món ăn truyền thống và mặc trang phục nhiều màu sắc.

Bắn cung

Bên cạnh các hoạt động ăn uống, tiệc tùng, lau dọn nhà cửa, người Bhutan còn ăn mừng lễ đón năm mới bằng việc tổ chức cuộc thi bắn cung - môn thể thao được cả quốc gia Nam Á này ưa chuộng.

Điều đặc biệt là tất cả các cung thủ tham gia cuộc thi đều phải ăn vận theo lối phục sức truyền thống.

Tuy nhiên, họ được quyền đi giày thể thao và sử dụng cung tên hiện đại.

Lễ hội đèn lồng

Những chiếc đèn làm sáng rực cả một góc trời thành phố Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Những chiếc đèn làm sáng rực cả một góc trời thành phố Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Lễ hội đèn lồng là một trong những lễ hội sôi động và lớn nhất Trung Quốc được tổ chức vào ngày 15/1 âm lịch, hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, đánh dấu ngày cuối cùng của lễ kỷ niệm năm mới.

Theo quan niệm dân gian, ngày Rằm đầu tiên của năm mới là ngày mặt trăng to và sáng nhất, rất thích hợp cho hoạt động vui chơi và thả đèn lồng.

Từ xa xưa, người dân Trung Quốc có thói quen giải các câu đố in trên đèn lồng còn các em nhỏ thì được cha mẹ mua cho những chiếc đèn có hình thù con giống ngộ nghĩnh.

Thờ gia súc

Trong dịp lễ chào ăn mừng năm mới tại vùng Assam của Ấn Độ, tất cả các loài gia súc trong thị trấn đều được dẫn đến một địa điểm đặc biệt để tắm và ngâm mình trong nước thảo mộc.

Sau đó, chúng sẽ quay trở lại chuồng và thưởng thức những loại rau củ tươi ngon đã chuẩn bị sẵn.

Ngày im lặng

Một người đàn ông Bali tham gia lễ hội lửa được tổ chức trước ngày Nyepi. Ảnh: Getty.

Một người đàn ông Bali tham gia lễ hội lửa được tổ chức trước ngày Nyepi. Ảnh: Getty.

Hòn đảo Bali của Indonesia vốn được biết đến như một điểm thu hút khách du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với những khu nghỉ dưỡng luôn nhộn nhịp người qua lại.

Thế nhưng, cứ vào khoảng tháng 3 hàng năm, tại đây lại diễn ra lễ Nyepi - ngày im lặng.

Đây là dịp để mỗi người tự xem xét lại bản thân và chỉ được tổ chức vào ngày thứ ba trong dịp lễ mừng năm mới Isakawarsa của người dân Bali.

Trong suốt ngày này, không có chuyến bay nào được phép ra vào sân bay quốc tế Ngurah Rai trên đảo.

Những nhà nghỉ, khách sạn đồng loại kéo rèm che cửa sổ. Quán ăn, cửa hàng tạm nghỉ. Thậm chí, người dân không được phép đốt lửa, bật TV hay để đèn quá sáng.

Đến ngày tiếp theo, thanh niên tại ngôi làng Sesetan ở Denpasar, Bali, sẽ tham dự một nghi lễ cổ truyền có tên gọi omed-omedan.

Theo đó, từng cặp thanh niên sẽ xếp hàng trên đường phố. Những chàng trai sẽ chủ động hôn các cô gái. Sau đó, họ sẽ được té nước lên người để cầu phúc.

Nonagathe

Trong lễ hội năm mới Aluth Avurudda của người Sri Lanka, có một khoảng thời gian dài gần 12 tiếng được gọi là nonagathe.

Theo quan niệm bản địa, nonagathe không thuộc về năm cũ, cũng như không thuộc về năm mới.

Chính vì vậy, người dân tại đây sẽ không làm bất cứ việc gì trong khoảng thời gian nonagathe ngoại trừ việc cầu nguyện.

Túi may mắn

Các nhân viên chuẩn bị túi may mắn tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Các nhân viên chuẩn bị túi may mắn tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Đúng như tên gọi của mình, fukubukuro là chiếc túi chứa đựng những điều may mắn và chỉ được bán trong dịp đầu năm mới của người Nhật Bản.

Tất cả cửa hàng, từ những shop hàng tiện dụng, mỹ phẩm, công nghệ, cho đến nhãn hiệu xa xỉ đều chuẩn bị sẵn các túi fukubukuro như một cách để nói lời tri ân đối với khách hàng.

Thông thường, mỗi chiếc túi fukubukuro sẽ có giá từ 10 đến hàng trăm USD. Điều thú vị nhất nằm ở chỗ, các khách hàng sẽ không thể biết có những đồ vật gì trong túi.

Đôi khi bạn sẽ không ngờ rằng có thể mua được nhiều sản phẩm với giá hời chỉ bằng một nửa hoặc hơn thế nữa.

Không được phép mua sách hoặc giầy

Tại những vùng nói tiếng Quảng Đông của Trung Quốc, người ta rất kiêng kỵ việc mua giầy hoặc sách trong dịp năm mới.

Đơn giản bởi vì từ 'giày' có phát âm gần giống với từ 'khó khăn', còn từ 'sách' lại gần với từ 'mất'.

Theo Việt Đức/Baodatviet.vn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.