Những quán bia làm mất mỹ quan đô thị tại Hà Nội

(PL&XH) - Thời gian qua, báo PL&XH đã có những bài phản ánh chân thực, cụ thể, chi tiết tình trạng các quán bia trên địa bàn TP Hà Nội đua nhau “xẻ thịt” lòng đường, vỉa hè phục vụ kinh doanh buôn bán. Vậy đâu là giải pháp? Có liều thuốc nào đặc trị cho “căn bệnh” đang làm mất đi vẻ đẹp văn minh, hiện đại của Thủ đô?

Tăng cường lực lượng giám sát

Hầu hết người dân khi sinh sống và làm việc ở các TP lớn đều mong muốn được thong dong trên những con đường rộng thênh thang, xe cộ đi lại thành hàng lối, quán xá quy củ, nề nếp. Nhưng tại địa bàn nội đô Hà Nội thời gian qua, ước mơ ấy đã khó thành hiện thực vì mức độ đô thị hóa quá nhanh. Do thiếu những cơ chế quản lý đồng bộ mà tình trạng này ngày càng bào mòn ảnh hưởng đến bộ mặt của Thủ đô.

Trong quá trình tiếp xúc với các đại diện cán bộ quản lý địa bàn một số phường, PV đã nhận được khá nhiều lời “than thở” khi họ kêu khó do lực lượng còn mỏng. Có lẽ, giải pháp đầu tiên và hữu hiệu nhất trong vấn đề dẹp bỏ quán bia cũng như nhiều loại hình dịch vụ khác đang ngày đêm công khai “bức tử” lòng đường vỉa hè đó là tăng cường lực lượng. Nếu bổ sung thêm lực lượng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát địa bàn, phát hiện và xử lý ngay những trường hợp vi phạm – dù là nhỏ nhất, thì tin rằng, bộ mặt đô thị sẽ được thay đổi một cách tích cực. Nhìn vào số lượng cán bộ phụ trách hay kiêm nhiệm vấn đề cảnh quan đô thị hiện nay ở các phường thì rõ ràng là lực lượng còn quá mỏng, sẽ rất khó để kiểm soát tình hình trên địa bàn.

Bên cạnh việc tăng cường lực lượng – một hướng đi quan trọng, là sự quyết tâm của các lãnh đạo địa bàn cơ sở. Nếu không thì dù lực lượng có đông đến mấy cũng khó mà giải quyết triệt để. Cần thường xuyên có những chỉ đạo mang tính chiến lược và dốc toàn lực lượng loại bỏ các quán hàng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè.

Nhìn từ góc độ xã hội học, TS. Xã hội học đô thị Hoàng Thị Nga cho rằng: “Khi quán bia kinh doanh, thu về lợi nhuận lớn thì họ cũng đang đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế chung của địa bàn phường đó. Vì vậy, nếu nói dẹp bỏ hoàn toàn là khó có cơ sở, nhất là trong môi trường đô thị thì phát triển dịch vụ là khuyến khích. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ chúng ta cho phép người dân kinh doanh như thế nào và quản lý cách thức kinh doanh của họ ra sao?”.

Bà Nga phân tích, hiện nay, các quán bia đều khá đông người làm thuê, có những quán giải quyết việc làm cho hơn chục lao động. Bởi vậy, nếu dẹp bỏ một quán bia là không nên làm. Nhưng cũng không phải vì thế mà cơ quan chức năng làm ngơ cho họ “vươn vòi” phát triển trên cả phần đất công cộng được. Vấn đề là những người chủ quán bia cũng cần phải hiểu việc làm sai trái của mình và chủ động thu hẹp diện tích, chỉ kinh doanh trên phần đất mà chính quyền địa phương đã phê duyệt xây dựng. Nếu là đất mượn thì khi Nhà nước có nhu cầu, họ phải chấp nhận dẹp bỏ một cách vui vẻ.

Trên thực tế, một số phường hàng ngày vẫn ra quân tuần tra, kiểm tra các tụ điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng chưa thực sự quyết liệt, thậm chí chỉ kiểm tra qua loa. “Cơ quan chức năng cần có sự phối kết hợp của các lực lượng, từ kiên quyết dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm đến việc hậu dẹp bỏ là tuần tra thường xuyên, kiểm tra liên tục, xử phạt thật nặng những trường hợp tái vi phạm và có thể không cho kinh doanh với những trường hợp cố tình lấn chiếm, qua mặt cơ quan chức năng. Có như vậy, vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán mới có thể loại bỏ được”, vị chuyên gia này nói.

Để dẹp bỏ các quán bia lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như thế này, cần cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành. Ảnh: K.Phong

Nói không với tiêu cực dưới mọi hình thức

Có một thực tế đáng buồn, đó là việc nhiều địa bàn, chính quyền đưa đẩy trách nhiệm trong việc xử lý dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” và các quán bia lại càng có cơ hội phát triển mạnh hơn. Do đó, người dân dễ có cơ sở để suy diễn về một hiện tượng tiêu cực nào đó đằng sau những quán bia lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lâu ngày mà không bị nhắc nhở, thậm chí càng ngày càng mở rộng địa bàn lấn chiếm hơn nữa. Nếu cơ quan chức năng không mạnh tay vào cuộc thì những nghi ngại này là rất nguy hiểm. Nó vừa làm mất hình ảnh tốt đẹp của cán bộ cấp cơ sở, vừa khiến niềm tin của người dân bị bào mòn. Nhiều người nhìn vào việc quán bia ngày càng mở rộng về phía lòng đường đã từng ngao ngán lắc đầu ái ngại: “Chắc có bảo kê từ phía phường rồi chứ quán to đùng thế kia, xe cộ xếp hết xuống lòng đường thế kia, đến người bình thường còn nhìn rõ và khó chịu, lẽ nào cơ quan chức năng không biết”. Bởi vậy, cần phải nói không với tiêu cực dưới mọi hình thức để quyết tâm ngăn chặn, lấy lại được lòng tin của nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Thị Khá đưa quan điểm: “Bất cứ việc gì cũng cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Phải có một người chịu trách nhiệm rõ ràng về một vấn đề nếu để xảy ra sự cố hoặc có phát sinh sai phạm ở vấn đề mà mình phụ trách, tránh việc đá bóng trách nhiệm sẽ rất khó giải quyết dứt điểm vấn đề. Kể cả việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của các quán bia trên địa bàn TP hiện nay mà báo chí phản ánh cũng cần quy trách nhiệm cụ thể. Rõ ràng, việc ngang nhiên chiếm dụng đất công làm sở hữu riêng là việc làm vi phạm pháp luật. Nếu xử lý không triệt để thì trách nhiệm thuộc về chính quyền và cơ quan chức năng phụ trách địa bàn đó”.

Một số chuyên gia cho rằng, lòng đường là nơi dành cho người tham gia giao thông, vỉa hè cũng được trưng dụng để dành cho người đi bộ. Nếu để quán bia nghênh ngang “xuống đường” như báo chí phản ánh thì trách nhiệm chính quản lý thuộc về UBND các phường trên địa bàn. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà TP nên nghiên cứu để đưa thêm giải pháp, đó là hiện nay, thông thường mỗi phường chỉ có 2 công chức phụ trách mảng trật tự đô thị và quản lý xây dựng. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành còn thiếu chặt chẽ. Đây là những khó khăn lớn, ảnh hưởng đến việc giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

TP đã nhiều lần trực tiếp ra quân, tung lực lượng chuyên trách tới các “điểm nóng” lấn chiếm để giải quyết. Nhưng sau khi giải quyết xong, bàn giao lại cho phường thì trật tự đô thị lại quay về vòng quay cũ. Sẽ khó để ngăn cấm, dẹp bỏ hoàn toàn nhưng cần tăng cường tuyên truyền và quản lý, quy hoạch, định hướng để người dân, nhất là những người trực tiếp kinh doanh buôn bán hiểu được việc làm sai trái của mình ảnh hưởng sâu rộng như thế nào đến văn minh và sự phát triển của đô thị để họ tự động thay đổi. Bên cạnh đó, các phường nên có sự phối kết hợp để giải quyết tốt những trường hợp nằm trên địa phận giáp ranh. Ngoài ra, một trong những giải pháp hữu hiệu hiện nay là tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý nghiêm sai phạm mỗi ngày.Với sự xuất hiện thường xuyên của cơ quan chức năng sẽ khiến cho người kinh doanh “ngại” và không dám ngang nhiên coi phần đất công như đất nhà mình nữa.

Không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của TP Hà Nội trong công tác dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán. Thế nhưng việc làm được hiện nay vẫn còn quá khiêm tốn so với yêu cầu của một đô thị văn minh, hiện đại như Thủ đô Hà Nội. Cần sự vào cuộc sát sao, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan hữu quan để trả lại cho Hà Nội hình ảnh đẹp đẽ, văn minh, lịch sự như vốn có.

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.