Lý do cặp vợ chồng dù trả hết tiền vẫn phải “ẵm án”

Toà án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội vừa xét xử Nguyễn Sơn Hải (SN 1975) và vợ là Phạm Vân Anh (SN 1976) – cùng trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Phiên tòa xét xử vợ chồng bị cáo Hải và Vân Anh.
Phiên tòa xét xử vợ chồng bị cáo Hải và Vân Anh.

Theo đó, vụ án xảy ra từ năm 2012 và đến 2016, khi một ngân hàng có đơn tố cáo, CQCA khởi tố vụ án và từng ra kết luận điều tra năm 2017, kết luận bổ sung năm 2018. Sau đó, vụ án được tạm đình chỉ rồi phục hồi điều tra năm 2020. Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng Hải giữ vai trò Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cửa cuốn Úc – SmartDoor và nhờ người đứng tên 4 công ty khác.

Năm 2012, vợ chồng Hải sử dụng 5 pháp nhân trên để ký các hợp đồng mua bán hàng hóa, các giấy tờ liên quan việc mua bán nhôm, thép không gỉ; xuất khống hóa đơn VAT cho nhau.

Việc mua bán là không có thực nhưng qua đây, vợ chồng Hải lập được hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng và hồ sơ tài sản đảm bảo. Các hồ sơ này được dùng để vay vốn ngân hàng. Ngân hàng đã giải nhân gần 29 tỷ đồng theo 12 khế ước nhận nợ được lập dựa trên các hồ sơ khống nói trên.

Số tiền này được bị cáo Hải chuyển lòng vòng qua các công ty trước khi dùng trả các khoản nợ trước đó của Công ty SmartDoor hoặc để chi dùng cho hoạt động khác, không đúng mục đích vay vốn.

Năm 2016, ngân hàng gửi đơn tố giác Nguyễn Sơn Hải đến cơ quan công an và năm 2017, Hải trả lại toàn bộ tiền đã vay. Ngân hàng đã có đơn đề nghị không xử lý hình sự vợ chồng Hải nhưng cơ quan tố tụng xác định, hành vi phạm tội của họ đã hoàn thành.

Trong vụ việc, nhân viên của ngân hàng được xác định vi phạm quy chế cho vay khi xử lý hồ sơ của Công ty cổ phần Cửa cuốn Úc – SmartDoor nhưng do hậu quả đã được khắc phục nên cơ quan tố tụng không xem xét xử lý.

Tại cơ quan điều tra, ban đầu Hải thừa nhận hành vi của mình. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra bổ sung, Hải thay đổi lời khai và cho rằng, khoảng năm 2010 - 2011, do bị ốm nên không điều hành hoạt động của công ty, không ủy quyền cho ai và công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hải khẳng định không biết về các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty cổ phần Cửa cuốn Úc-SmartDoor và 4 doanh nghiệp liên quan, không chỉ đạo Vân Anh ký các khế ước nhận nợ, ủy nhiệm chi với ngân hàng, không biết về số tiền mà tổ chức tín dụng giải ngân theo các hợp đồng kinh tế. Con dấu của các công ty và dấu chữ ký của Hải do Vân Anh quản lý, sử dụng.

Nguyễn Sơn Hải còn dùng pháp nhân là Công ty Thiên Phú để vay một ngân hàng khác gần 19,5 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là hàng hóa trị giá hơn 31 tỷ đồng. Khi được giải ngân, Công ty Thiên Phú tự ý bán số tài sản đảm bảo này, không thông báo ngân hàng. Đến nay, doanh nghiệp này đã trả số nợ và phía ngân hàng có đơn rút tố cáo nên cơ quan điều tra tách hành vi để xử lý sau.

Do đó, Hội đồng xét xử của TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo 8 năm tù, vợ bị cáo 3 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Bắt kẻ lừa đảo dưới vỏ bọc bảo vệ sau gần 20 năm trốn truy nã
Bắt kẻ mạo danh quyên góp tiền từ thiện, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng
Bắt đối tượng lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động tại Úc

N.N

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.