Giải pháp để lao động phi chính thức không bị “lọt lưới an sinh”

Ngày 23/4, tại trụ sở Báo Kinh tế & Đô thị đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh”. Đây là một trong những hoạt động thuộc Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 do Báo Kinh tế & Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp triển khai.
 Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi phát biểu khai mạc tọa đàm sáng 23/4  Ảnh: Khánh Huy.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu khai mạc tọa đàm sáng 23/4. Ảnh: Khánh Huy

Người lao động phi chính thức tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 cho biết, hiện nay cả nước có tổng số hơn 33 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào. Đây là vấn đề đang đặt ra rất lớn đối với xã hội.

Cùng chia sẻ tại tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” Tạ Việt Anh cho rằng, sau 15 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,45 triệu người, con số này còn khá khiêm tốn. Lý do là lao động khu vực phi chính thức chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, điều kiện và thu nhập đảm bảo tham gia BHXH tự nguyện không nhiều. Hiện, những người tham gia BHXH tự nguyện mới có hai chế độ hưu trí và tử tuất.

Trao đổi tại tọa đàm, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Đỗ Ngọc Thọ chia sẻ, người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện với tỷ lệ rất khiêm tốn là do thu nhập của đa số người dân còn thấp, không ổn định; một bộ phận người dân thiếu quan tâm cũng như chưa hiểu hết được ý nghĩa, giá trị của chính sách BHXH tự nguyện.

Một nguyên nhân nữa, đó là mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH chưa tạo được cú hích để thúc đẩy người dân tham gia BHXH tự nguyện... Hiện nay mới chỉ có 22/63 tỉnh được HĐND ra nghị quyết hỗ trợ thêm. Điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài; tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH của các DN cũng khiến người lao động chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện.

Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh trao đổi tại tọa đàm sáng 23/4  Ảnh: Khánh Huy.
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh trao đổi tại tọa đàm sáng 23/4. Ảnh: Khánh Huy

Công khai đóng bao nhiêu, lương hưu thế nào

Phó Giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An đại biểu Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011 – 2016), Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng thông tin, BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ, hiện giờ Chính phủ bổ sung chế độ thai sản là rất tốt; giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm cũng là chính sách ưu việt và rất nhân đạo. Hiện nay, tâm lý người dân cho rằng, đóng BHXH thì dễ, rút thì khó nên cần cải cách bảo hiểm trong cách đăng ký, cách rút; làm rõ dự báo tương lai người lao động sẽ nhận được bao nhiêu tiền lương sau khi tham gia BHXH. Hiện nay, độ tin cậy và độ hấp dẫn của chính sách BHXH chưa cao nên vấn đề này cần phải đưa vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long – giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, việc đầu tiên là mở rộng đối tượng tham gia BHXH, chuyển người lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức; hỗ trợ người lao động đủ đóng để giải quyết các khó khăn trước mắt và nghĩ được các vấn đề lâu dài. Thứ nữa, cần xóa bỏ dần khoảng cách giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức. Chúng ta đều biết, lao động chính thức được bảo vệ rất chắc chắn bằng các chế độ BHXH ngắn hạn, dài hạn. Trong khi đó người lao động phi chính thức rất mong manh về thu nhập và các vấn đề khác nhưng chỉ có chế độ BHXH dài hạn là hưu trí và tử tuất; vì thế rất cần tăng chế độ cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Cũng cần công khai cho người thụ hưởng biết họ đóng bao nhiêu, sau này sẽ có lương hưu thế nào.

Giải pháp để lao động phi chính thức không bị “lọt lưới an sinh”
Các diễn giả tại phiên thảo luận sáng 23/4.

Trưởng phòng Truyền thông BHXH Hà Nội Dương Thị Minh Châu đặt ra vấn đề: “Hiện nay chúng ta đang muốn tăng hỗ trợ cho các lao động phi chính thức khi tham gia BHXH tự nguyện, nhưng nếu đưa họ vào BHXH bắt buộc thì ngân sách Nhà nước có hỗ trợ nữa hay không. Tôi nghĩ rằng, trên quan điểm chúng ta xây dựng chính sách an sinh xã hội linh hoạt hơn để người lao động ở khu vực phi chính thức có sự lựa chọn việc tham gia BHXH tự nguyện dễ dàng, hơn là việc đưa họ vào BHXH bắt buộc".

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hiện nay thị trường lao động linh hoạt, người lao động khu vực chính thức có thể chuyển sang khu vực phi chính thức và ngược lại. Vì thế, chủ sử dụng lao động nên tư duy là mình đóng BHXH cho người lao động của Quốc gia. Phần đóng góp của người sử dụng lao động chuyển vào quỹ an sinh xã hội, được sử dụng chung cho mọi người lao động. Khi đó, người lao động làm việc ở vị trí nào thì hưởng theo chế độ mình đóng góp. Với cách làm này sẽ tạo ra chế độ bình đẳng, hấp dẫn tất cả mọi người lao động tham gia BHXH hơn là hệ thống BHXH phân đôi.

Bên cạnh đó, bà Lan mong muốn dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có cách tiếp cận toàn diện hơn, theo đó hiện nay Nhà nước đang có hệ thống BHXH phân đôi hai nhóm là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Vì thế, Nhà nước sửa đổi hệ thống BHXH vẫn thực hiện nguyên tắc đóng – hưởng nhưng mọi người lao động ở hai khu vực (chính thức và phi chính thức) đều bình đẳng có các chế độ như nhau, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.

Để hỗ trợ kinh phí đối với người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên, bà Lan đề xuất, cần phải có một hệ thống chính sách đồng bộ và toàn diện hơn. Đó là chính sách xóa đói giảm nghèo tiếp tục được thúc đẩy thông qua tạo việc làm có chất lượng, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó là hỗ trợ về vay vốn đối với người lao động phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, Nhà nước nên xây dựng chính sách thu nhập tối thiểu cho người lao động khu vực phi chính thức; cũng giống như hiện nay trong khu vực chính thức có mức lương tối thiểu vùng.

Live stream: Tọa đàm chuyên đề Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh”

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.