Mức xử phạt vi phạm giao thông đối với học sinh

Trước sự phức tạp tình hình học sinh điều khiển xe gắn máy, vi phạm giao thông, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã đề nghị cần bổ sung giấy phép lái xe với đối tượng trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 phân khối hoặc xe máy điện vào trong Luật ATGT đường bộ. Trước đó, trong các bộ Luật khác, việc vi phạm trong lĩnh vực giao thông với học sinh cũng đã được quy định rất rõ.
Hình ảnh học sinh điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm trên phố Đinh Núp, quận Cầu Giấy, Hà Nội.	Ảnh: Minh Dương
Hình ảnh học sinh điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm trên phố Đinh Núp, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Minh Dương

Tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông ở mức cao

Mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhưng tình trạng học sinh vi phạm ATGT vẫn ở mức cao. Không khó để bắt gặp những hình ảnh các cô, cậu học sinh vẫn mặc đồng phục, nhưng chở quá số người quy định, lái xe lạng lách trên đường phố. Cùng với đó, chuyện không đội mũ bảo hiểm với các em học sinh cũng không phải hiếm. Cũng dễ dàng nhận thấy, chiếc xe các em điều khiển không hề… liên quan đến độ tuổi. Rất nhiều những em học sinh điều khiển những chiếc xe máy trên 50 phân khối, hoặc học sinh cấp 2, dù chưa đủ 16 tuổi vẫn đi xe 50 phân khối, xe máy điện.

Thực trạng này rất đáng lo ngại, diễn ra phổ biến tại nhiều trường học, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tai nạn giao thông trong học sinh tăng cao. Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 16-18 tuổi) xảy ra 881 vụ, làm chết 90 người, bị thương 827 người. Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý, nhà trường đã giáo dục và tuyên truyền tới các em học sinh nhưng tình trạng này dường như không có nhiều chuyển biến. Học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi cấp giấy phép lái xe là vấn nạn được dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XV cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị cần phải bổ sung giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ để áp dụng riêng đối với đối tượng trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 phân khối hoặc xe máy điện.

Đề nghị này của Ủy ban ATGT Quốc gia đã được tiếp thu, giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì làm việc với các cơ quan để nghiên cứu đề nghị của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc quy định xe máy dưới dưới 50 phân khối do trẻ em điều khiển và xe phân khối lớn lưu hành trên các tuyến quốc lộ quan trọng. Nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét nên quy định ngay tại Luật này hay trước mắt quy định khung rồi giao cho Chính phủ quy định hay tổ chức thí điểm thực hiện vấn đề này.

Mức xử phạt vi phạm giao thông đối với học sinh

Về quy định lứa tuổi người lái xe tham gia giao thông, trước đó, tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định về độ tuổi người lái xe. Cụ thể, người đủ 16 tuổi trở lên chỉ được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Việc học sinh chưa đủ tuổi mà điều khiển các loại xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì phạt cảnh cáo với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ - CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới. Cụ thể, phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.

Ngoài ra, phụ huynh cũng sẽ bị phạt khi giao xe cho con chưa đủ tuổi sử dụng. Điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng)”.

Có được nộp phạt kiểu "trả góp" khi vi phạm nồng độ cồn?
Ngang nhiên đi lên đường vành đai 2 trên cao, nhiều chủ xe máy bị xử phạt
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý 920 trường hợp vi phạm trong 1 ngày

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.