Góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội: đảm bảo quyền của lao động nữ

Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ.
Cần bổ sung các điều luật để đảm bảo quyền lợi cho những lao động nữ (ảnh chụp tại Tổng Công ty May 10). Ảnh: Thanh Hải
Cần bổ sung các điều luật để đảm bảo quyền lợi cho những lao động nữ (ảnh chụp tại Tổng Công ty May 10). Ảnh: Thanh Hải

Các đại biểu tập trung thảo luận trực tiếp vào những vấn đề liên quan đến quyền của lao động nữ được quy định trong Dự thảo Luật cần được điều chỉnh như: chế độ chăm sóc con ốm, thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ; đề nghị bổ sung mức hưởng của với đối tượng người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, mang thai hộ, nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi; tăng số lần khám thai cho lao động nữ; tăng thời gian nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con; tăng thời gian nghỉ thai sản cho người mẹ mang thai hộ...

Theo tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện nay, chế độ BHXH tự nguyện chưa thực sự thu hút, việc bổ sung chế độ thai sản phù hợp cũng là điều kiện cần thiết để thu hút lao động trong độ tuổi tham gia. Vì vậy, đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần là phù hợp và vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng chế độ thai sản đa tầng, bổ sung chế độ hỗ trợ đối với phụ nữ nghèo, khuyết tật và tiến tới bao phủ chế độ hỗ trợ thai sản cho mọi đối tượng phụ nữ.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Dệt may Việt Nam Nguyễn Thanh Hoàn cho rằng, để đảm bảo quyền lợi cho những lao động nữ cần tăng số lần khám thai tương ứng số tháng từ khi mang thai đến khi sinh con từ 5 đến 9 lần, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày. Trong trường hợp lao động nữ không sử dụng hết thời gian đi khám thai, sức khỏe đảm bảo và được người sử dụng lao động đồng ý thì ngoài tiền được thanh toán chế độ BHXH, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc đã làm trong thời gian được nghỉ. Thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

Đại diện Công đoàn ngành Dệt may Việt Nam kiến nghị bổ sung thêm quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn phải nghỉ việc không lương dài ngày để điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền đối với lao động nữ đã có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên.

Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp khi cải cách tiền lương
Hà Nội: đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): cần chú trọng đến chế độ thai sản cho lao động nữ

Quân Đào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.