Hà Nội: không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại

Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn và lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với các nhóm, ngành hàng thiết yếu; tổ chức đấu tranh ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý...
Lực lượng chức năng của Hà Nội đang kiểm tra số thực phẩm không rõ nguồn gốc
Lực lượng chức năng của Hà Nội kiểm tra số thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: P.V

Xử lý nhiều vụ buôn lậu

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, trong năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 TP đã thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ, tăng 1,01% so với cùng kỳ, xử lý hành chính 26.535 vụ vi phạm, tăng 1,01% so với cùng kỳ.

Trong đó, phát hiện, bắt giữ 3.229 vụ vi phạm về buôn lậu, 1.579 vụ vi phạm về hàng giả, 21.727 vụ vi phạm về gian lận thương mại; khởi tố 163 vụ, tăng 25,38% so với cùng kỳ đối với 192 đối tượng, tăng 1,05% so với cùng kỳ. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.307,7 tỷ đồng, tăng 15,78% so với cùng kỳ.

Lực lượng quản lý thị trường đã làm tốt vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 TP triển khai các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND TP; theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, lĩnh vực và địa bàn được giao...

Cục Hải quan TP Hà Nội đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát các địa bàn hải quan quản lý; chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, tang vật vi phạm gồm: Điện thoại, sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê, tiền tệ… Đặc biệt, đã chủ trì, phối hợp đấu tranh thành công nhiều chuyên án liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy với tang vật lớn.

Sở Công Thương Hà Nội thường xuyên theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao trên địa bàn thành phố để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến...

Những nỗ lực trên đã góp phần phòng ngừa, kiềm chế tội phạm buôn lậu, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả, chống thất thu thuế và bình ổn thị trường.

Kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại

Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn và lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với các nhóm, ngành hàng thiết yếu; tổ chức đấu tranh ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý...

Các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, xác định tuyến, địa bàn, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm; làm tốt công tác nghiệp vụ; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, nhất là hoạt động thương mại điện tử.

Đồng thời, đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bảo kê, bao che cho đối tượng có hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cũng tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; nhất là hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả trong thị trường nội địa, hoạt động thương mại điện tử…

Tại hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, trong thời gian tới, lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thị trường, kịp thời đề xuất xử lý những vấn đề gây bất ổn, đảm bảo cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong các dịp lễ, tết.

Đồng thời rà soát khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả.

“Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để từng người dân trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, mua bán hàng vi phạm” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường về tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện ký cam kết với các tổ chức, cá nhân không kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về các vụ việc vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả bị bắt giữ; cách phân biệt hàng giả, hàng nhái đến đông đảo Nhân dân.

Cao điểm chống buôn lậu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Phát hiện, bắt giữ hơn 26.500 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong năm 2023
Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.