Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): dự thảo có sự thay đổi đáng kể

Tại Phiên họp thứ 31, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
E
Người dân làm TTHC tại bộ phận một cửa phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.                   Ảnh: Công Phương
Người dân làm TTHC tại bộ phận một cửa phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Công Phương

Giao thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị cho Hà Nội

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TP Hà Nội, quận, thị xã, TP thuộc TP và UBND phường. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP Hà Nội, giúp chính quyền TP chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô.

Phát biểu thảo luận về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin, ông tán thành nhiều nội dung trong báo cáo và đánh giá cao sự nghiêm túc, khẩn trương trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. “Có thể nói, trong thời gian ngắn, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với các cơ quan liên quan để nhanh chóng hoàn thiện Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất dày dặn. So với dự thảo trình Đảng đoàn Quốc hội, dự thảo mới này đã có sự thay đổi rất đáng kể”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.

Để hoàn thiện hơn nữa, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường góp ý về việc giao UBND TP Hà Nội thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của TP quy định tại khoản 3 Điều 17. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, hiện nay các Nghị quyết thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, TP như Nghệ An, Khánh Hòa, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh… đều quy định cho phép UBND cấp tỉnh thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch và giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh. Trong trình tự, thủ tục thực hiện, yêu cầu có ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi Thủ tướng quyết định.

Với hình thành phân cấp, phân quyền rất cao cho Thủ đô Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành cao quy định tại dự thảo Luật là UBND TP Hà Nội có thẩm quyền điều chỉnh và giao HĐND TP Hà Nội quy định chi tiết về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch để tạo sự chủ động cho Thủ đô trong việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành, hạ tầng kỹ thuật.

Như vậy, có thể không cần có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, quy định này sẽ rút ngắn trình tự, thủ tục thực hiện, nâng cao trách nhiệm cũng như kịp thời đáp ứng những vướng mắc thực tiễn ở Thủ đô Hà Nội.

Xem xét thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7

Kết luận nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp, cấp ủy và chính quyền TP Hà Nội, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tài liệu được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, dày dặn, bám sát cơ sở chính trị pháp lý thực tiễn, thể chế hóa được nội dung các Nghị quyết của Đảng.

Trọng tâm là Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chính phủ và tiếp thu giải trình cơ bản đầy đủ, cụ thể, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, bám sát 9 chính sách định hướng lớn trong xây dựng luật mà được Chính phủ trình Quốc hội. Có sự thống nhất và đồng thuận và thông suốt giữa các cơ quan trong quá trình tiếp thu, giải trình; về mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn, yêu cầu, định hướng chiến lược đối với các vấn đề lớn, dài hạn, và các nội dung cụ thể của dự thảo Luật. Dự án này đủ điều kiện để tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự họp thống nhất với các nội dung được các cơ quan đã thống nhất dự kiến tiếp thu, chỉnh lý nhưng cần tiếp tục rà soát, lưu ý thêm một số vấn đề. Cụ thể, về nguyên tắc áp dụng pháp luật cần bảo đảm có đặc thù để Luật Thủ đô đi vào thực tiễn, kể cả văn bản Luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô nhưng cũng phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Về phân quyền cho HĐND TP Hà Nội trong việc quyết định chủ trương đầu tư cần thể hiện lại để bảo đảm đúng quy định, bảo đảm khả thi, chặt chẽ, phân loại kỹ hơn các trường hợp để đảm bảo tính đồng bộ trong tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội khai mạc Phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tiếp thu, chỉnh lý toàn bộ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), phân quyền mạnh hơn
Đánh giá cao sự nghiêm túc, khẩn trương trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.