Hà Nội tạo lực đẩy và lợi thế để phát triển thế mạnh làng nghề

TP Hà Nội đã kết hợp nhiều chương trình, như: khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển làng nghề, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội, hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã TP Hà Nội... nhằm gia tăng nguồn lực triển khai các hoạt động, từ đó nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ phát triển làng nghề.
Sản xuất gốm sứ tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội
Sản xuất gốm sứ tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: P.V

TP dành nhiều chương trình cho khu vực làng nghề phát triển

Hà Nội hiện đang có 1.350 làng có nghề và trên 318 làng nghề truyền thống. Ngoài ra, Hà Nội còn là địa phương dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP với trên 2.700 sản phẩm qua 5 năm triển khai từ năm 2019-2023. Khi có chiến lược phát triển tổng thể và có đầu tư đúng hướng thì những làng nghề của Hà Nội sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cũng như thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm làng nghề.

Theo bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, khu vực làng nghề đang giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Những năm qua TP đã dành nhiều chương trình cho khu vực kinh tế này phát triển.

Riêng chương trình khuyến công, trong giai đoạn 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công, Hà Nội đã tổ chức 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn, 16 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 800 lao động tại các tỉnh miền núi phía bắc nhằm liên kết vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đưa các nghề truyền thống của Hà Nội đến các tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn...; tuyên truyền, giới thiệu các văn bản, chủ trương, chính sách của Nhà nước, TP về khuyến công, phát triển nghề, làng nghề cho 6.000 lượt cán bộ; tổ chức 18 hội chợ, 4 triển lãm ngành hàng thủ công mỹ nghệ…

Đặc biệt, TP đã kết hợp nhiều chương trình, như: Khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển làng nghề, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội, hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã TP Hà Nội... nhằm gia tăng nguồn lực triển khai các hoạt động, từ đó nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ phát triển làng nghề.

Dù đã có những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng, việc phát triển làng nghề còn chưa tương xứng, với khoảng 1.350 làng nghề, làng có nghề tiềm năng kinh tế của khu vực này còn rất lớn.

Hạn chế của khu vực kinh tế này là quy mô cơ sở sản xuất nhỏ, sản xuất rời rạc, năng lực tài chính, tiếp cận khoa học công nghệ hạn chế, năng suất chất lượng, chuyển đổi số, kết nối giao thương, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm của các cơ sở sản xuất chưa cao, vòng đời sản phẩm chậm thay đổi, thông tin về nhu cầu thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế nên việc hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn.

Mặt khác, dù đã huy động các nguồn lực tuy nhiên kinh phí cho triển khai các chương trình hỗ trợ làng nghề còn nhỏ, chưa tạo được lực đẩy đủ mạnh cho khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn.

Phát triển bền vững làng nghề gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm

Để khu vực này phát huy thế mạnh, cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Tiếp tục thực hiện lồng ghép các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có, như: phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm... để hỗ trợ các làng nghề.

Đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông để các cơ sở sản xuất tại làng nghề nắm bắt và chủ động tham gia chương trình hỗ trợ. Tăng cường ứng dụng dựa trên các nền di động, công nghệ thông tin thông minh, thương mại điện tử trong quảng bá để giới thiệu sản phẩm làng nghề.

Trong định hướng phát triển bền vững làng nghề gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm cho du khách khi đến với Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các quận, huyện năm 2024.

Theo định hướng của TP, trong năm 2024, Hà Nội sẽ xây dựng được 5-10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các làng nghề đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm địa phương gắn với các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống và phát huy tối đa sự tham gia của người dân, các nghệ nhân và sự vào cuộc của các đơn vị, doanh nghiệp.

Theo ông Phan Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ thì địa phương cũng đang triển khai xây dựng Trung tâm sáng tạo làng nghề này và khi hình thành đây sẽ là trung tâm phát triển cho xã Đông Phương Yên, xã Phú Nghĩa và các xã có làng nghề phụ cận của huyện Chương Mỹ.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho biết, đây là một niềm hạnh phúc với chủ trương này của TP. Và khi các Trung tâm này hình thành sẽ tạo động lực rất lớn cho sự phát triển của các làng nghề, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển gắn với việc khai thác hoạt động du lịch trải nghiệm, tạo ra một sản phẩm du lịch mới thu hút du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến với Thủ đô.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định công nhận 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao của 32 chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp TP Hà Nội năm 2023.

Trong số các huyện có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đợt này thì 3 huyện: Thanh Trì, Chương Mỹ và Phú Xuyên có nhiều sản phẩm OCOP đạt 4 sao nhất, mỗi địa phương có 12 sản phẩm được chứng nhận.

Cụ thể, Tây Hồ 1, Hoài Đức 8, Phúc Thọ 1, Mỹ Đức 4, Ứng Hòa 5, Thanh Trì 12, Gia Lâm 1, Phú Xuyên 12, Long Biên 10, Thanh Oai 1, Ba Vì 10, Mê Linh 1, Đan Phượng 3, Thạch Thất 7, Thường Tín 3, Quốc Oai 2, Hoàn Kiếm 5, Đông Anh 5, Hà Đông 1, Chương Mỹ 12.

Phú Xuyên phát triển làng nghề và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP
Hà Nội thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các làng nghề

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.