Cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội được hưởng án treo

TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử Trương Quang Việt, SN 1973, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC) Hà Nội; Lê Minh Tuyến, SN 1974, cựu Trưởng phòng Tài chính CDC Hà Nội, về tội “Vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Gây thiệt hại hơn 9,1 tỷ đồng

Theo cáo trạng, thực hiện gói thầu số 5, ngày 23/11/2020, Hội đồng mua sắm CDC Hà Nội họp gồm: Trương Quang Việt, Lê Minh Tuyến, Đỗ Thị Thu và các phòng ban chuyên môn khác thống nhất mua kit xét nghiệm Covid - 19 với tổng giá trị hơn 13,3 tỷ đồng. Thông số kỹ thuật của kit xét nghiệm mà CDC Hà Nội đưa ra tương đồng với thông số kỹ thuật của kit xét nghiệm do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Cty Việt Á) sản xuất với thông số kỹ thuật đặc thù chỉ có sản phẩm do Cty Việt Á sản xuất mới có.

Ngày 27/11/2020, Trương Quang Việt ký Quyết định số 4400 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu số 5 với phụ lục kèm theo tờ trình ghi rõ kit xét nghiệm có mã hàng hóa do Cty Việt Á sản xuất. CDC Hà Nội thuê Cty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Xây dựng kỹ thuật và thương mại Hà Nội (Cty Hà Nội) để tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính, lập báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật và Cty TNHH Công nghệ Vân Long (Cty Vân Long) để thẩm định hồ sơ mời thầu, lập báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu. CDC Hà Nội đăng ký hồ sơ mời thầu trên báo và mạng đấu thầu Quốc gia. Hết thời điểm đóng thầu, chỉ có Cty Việt Á nộp hồ sơ cung cấp kit xét nghiệm Covid - 19.

Ngày 30/12/2020, Hội đồng mua sắm hàng hóa của CDC Hà Nội có tờ trình Giám đốc CDC Hà Nội về việc đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Cùng ngày, CDC Hà Nội có Quyết định số 4881 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Sau đó, CDC Hà Nội ký hợp đồng mua bán với Cty Việt Á để mua 28.300 kit xét nghiệm Covid - 19 với giá trị hơn 13,1 tỷ đồng.

Ngày 25/1/2021, CDC Hà Nội thực hiện giao dịch chuyển khoản số tiền hơn 13,1 tỷ đồng cho Cty Việt Á để thanh toán việc mua kit xét nghiệm Covid - 19. Các cơ quan tố tụng kết luận, hành vi của Trương Quang Việt và Lê Minh Tuyến đã vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 9,1 tỷ đồng.

Sau khi CDC Hà Nội thanh toán tiền gói thầu, theo chỉ đạo của Việt, Tuyến nhận tiền ngoài hợp đồng của Cty Việt Á là hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, ông Việt được hưởng lợi số tiền 500 triệu đồng, ông Tuyến được hưởng lợi số tiền hơn 800 triệu đồng, bà Thu hưởng lợi 30 triệu đồng.

Truy tố là phù hợp

Tại tòa, ông Việt khai, được cấp trên bổ nhiệm làm Giám đốc CDC Hà Nội; trước đó, giữ cương vị Phó Giám đốc. Thời gian bị cáo điều hành công việc, CDC Hà Nội thực hiện hai gói thầu mua sắm trang thiết bị số 03 và 05 để phục vụ phòng chống dịch.

Liên quan đến cáo buộc "dựng thông số kỹ thuật cấu hình gói thầu 05 giống với cấu hình kit xét nghiệm của Cty Việt Á", ông Việt cho rằng, thời điểm quyết định mua sắm vào cuối năm 2020, lúc này sinh phẩm CDC đều đã cạn, trong khi Hà Nội yêu cầu cấp bách phải có.

“Khoản ngân sách Nhà nước cấp quy định chi tiêu hết trong năm dương lịch, nếu không sử dụng sẽ bị thu hồi và tháng 3 của năm sau mới được cấp, do đó bị cáo phải chủ động cùng CDC tổ chức mua sắm”, bị cáo Việt khai. Cựu Giám đốc CDC Hà Nội thừa nhận hành vi sai phạm, thừa nhận rằng, truy tố đối với bị cáo là phù hợp, không có ý kiến gì. Về số tiền 500 triệu đồng nhận của Việt Á, ông Việt khai, sau khi nhận vẫn để ở nhà, không sử dụng vào việc gì.

Bị cáo Việt trình bày, khi bị cáo Tuyến đưa tiền, Tuyến chỉ nói là biếu bị cáo, lúc đó bị cáo nhận và xin phép đi họp. Sau đó, nhận thấy số lượng tiền nhiều, bất bình thường, bị cáo Việt khai, sẽ hỏi lại ông Tuyến nhưng vì chống dịch gấp rút. Sau này bị cáo mới hiểu là do Cty Việt Á cảm ơn.

Cựu Trưởng phòng tài chính CDC Hà Nội khai, nhận được chỉ đạo, khi Vũ Đình Hiệp, Phó Giám đốc Cty Việt Á, gọi điện đến thì phối hợp. Sau đó, Hiệp gọi điện cho bị cáo và hẹn cà phê ở phố Thái Thịnh, Hà Nội. Đến nơi, bị cáo Tuyến không vào quán, chỉ ngồi trong xe ô tô, quay cửa kính xuống và Hiệp đưa túi quà bảo “có túi quà biếu các anh”. Nhận túi quà bên trong thùng bia có hơn 1,1 tỷ đồng, ông Tuyến mang lên phòng ông Việt và mở ra tại đó, có sự chứng kiến của ông Việt.

Theo lời khai của ông Tuyến, ông Việt là người chỉ đạo chia tiền. Cụ thể, ông Tuyến nhận 200 triệu đồng, ông Việt nhận 500 triệu đồng còn lại 400 triệu đồng chia cho một số cán bộ CDC Hà Nội. Làm theo chỉ đạo, ông Tuyến cho tiền vào phong bì, ghi tên từng người ngay tại đó.

Đại diện VKSND nêu, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi, lời khai của các bị cáo phù hợp với các tài liệu, lời khai khác có trong hồ sơ vụ án. Trong vụ án này, bị cáo Việt có vai trò cao nhất, bị cáo Tuyến thực hiện theo chỉ đạo Việt, hưởng lợi thấp hơn. Đại diện VKSND đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xử phạt bị cáo Việt từ 30 - 36 tháng tù nhưng hưởng án treo, bị cáo Tuyến từ 20 - 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Nói lời sau cùng, bị cáo Tuyến xin được khắc phục nốt hậu quả (80 triệu đồng).

Ngày 6/3, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trương Quang Việt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Lê Minh Tuyến 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; thử thách các bị cáo trong 60 tháng kể từ ngày tuyên án.

Trong vụ án này, bà Đỗ Thị Thu, Phó trưởng khoa dược và vật tư y tế, CDC Hà Nội, là người nhận chỉ đạo từ bị cáo Trương Quang Việt, trực tiếp đưa thông tin về thông số kỹ thuật, mã hàng, hãng sản xuất, xuất xứ kit test của Cty Việt Á cho đơn vị thẩm định giá, để thẩm định giá trước khi tiến hành đấu thầu.

Tháng 3/2021, bà Thu được bị cáo Lê Minh Tuyến đưa cho 30 triệu đồng và 9 triệu đồng để đưa cho 3 người khác. Nữ cán bộ y tế hiểu đây là tiền nhà thầu cảm ơn, nhưng không biết là của nhà thầu nào, vì thời điểm đó CDC Hà Nội cũng triển khai một số gói thầu. Phải đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bà Thu mới biết đây là tiền của Cty Việt Á.

VKSND xác định, việc làm của bà Thu là thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên, không nhằm động cơ vụ lợi. Quá trình điều tra, bà này khai báo thành khẩn, tự nguyện giao nộp số tiền được nhận. Do vậy, CQCA không xử lý bằng pháp luật hình sự mà đề nghị xem xét xử lý kỷ luật là thỏa đáng.

Nguyên Giám đốc CDC Cà Mau và 2 cán bộ ngành y tế được tại ngoại để điều trị bệnh
Sai phạm tại CDC Nam Định: Lý do cựu Giám đốc phải nhận 16,5 năm tù?
Hoãn xử cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội

Bảo Lâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.