4 phương pháp xác định giá đất vừa được đề xuất là gì?

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa công bố dự thảo Nghị định Quy định về giá đất (hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) lấy ý kiến rộng rãi của dư luận.
: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh và phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội). 	Ảnh: Khánh Huy
: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh và phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy

Bảng giá đất được công khai

Theo đó, Bộ TN&MT đề xuất 4 phương pháp xác định giá đất (so sánh, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất). Bảng giá đất được công khai vào ngày 1/1 hàng năm.

Cụ thể, dự thảo có nội dung: tổ chức tư vấn định giá đất (được thuê để tư vấn định giá đất) có trách nhiệm phân tích, lựa chọn phương pháp định giá đất phù hợp và đề xuất trong báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất làm cơ sở để cơ quan tài nguyên và môi trường trình Hội đồng thẩm định giá đất cùng cấp quyết định.

Thông tin về giá đất, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng để áp dụng phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư và xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất là thông tin trong khoảng thời gian không quá 24 tháng tính từ thời điểm định giá đất trở về trước được thu thập trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đất đai, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về giá.

Trường hợp chưa có số liệu thống kê, không có số liệu từ các cơ quan đó thì thu thập thông tin về chi phí thực tế phổ biến trên thị trường của tối thiểu 3 thửa đất có khoảng cách gần nhất đến thửa đất, khu đất cần định giá. Dự thảo nêu rõ: “tổ chức tư vấn định giá đất khi thu thập thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất phải trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin điều tra”.

Đơn vị, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn, có trách nhiệm cung cấp thông tin để phục vụ công tác định giá đất bằng văn bản hoặc phương thức điện tử trong thời gian không quá 5 ngày làm việc. Các Sở TN&MT có trách nhiệm đăng dự thảo bảng giá đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, Sở TN&MT trong thời gian 30 ngày để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất.

HĐND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp tỉnh tổ chức hoàn thiện bảng giá đất để quyết định ban hành; công bố công khai bảng giá đất vào ngày 1/1 hàng năm và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đất đai.

Đề xuất phương pháp xác định giá đất theo Luật Đất đai (sửa đổi)

Căn cứ vào yêu cầu quản lý Nhà nước về giá đất của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trong năm với các trường hợp: Khi hình thành các đường, phố mới chưa có trong bảng giá đất hiện hành; khi các dự án có sử dụng đất đã hoàn thành đưa vào sử dụng mà chưa có giá đất trong bảng giá đất; các trường hợp áp dụng bảng giá đất quy định tại khoản 3 Điều 111 và khoản 1 Điều 160 của Luật Đất đai mà chưa có giá đất trong bảng giá đất.

Bộ TN&MT đề xuất, có thể điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất tại một vị trí đất, một số vị trí đất hoặc tất cả các vị trí đất; tại một vùng giá trị hoặc một số vùng giá trị hoặc tất cả các vùng giá trị.

Ngày 5/2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014 quy định về giá đất và Nghị định 10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nghị định 12/2024 sửa đổi Điều 4, Điều 5 Nghị định số 44/2014 về phương pháp định giá đất và điều kiện áp dụng từng phương pháp đó.

UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể hoặc UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp UBND cấp Tỉnh ủy quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp tổ chức việc xác định giá đất cụ thể.

Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường vừa qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Để thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng 5 dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định quy định về giá đất; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Dự thảo Nghị định quy định về giá đất gồm 6 Chương, 44 Điều. Dự thảo đề xu­ất trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp: So sánh; thu nhập; thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất.

Đấu giá đất tại Hà Nội: Xác định giá khởi điểm còn chậm, gặp khó khăn về phương pháp xác định giá đất
Giao dịch qua sàn là cơ sở xác định giá đất?
Rà soát hoàn thiện quy định về phương pháp xác định giá đất

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.