Vụ bé 3 trai tuổi bị sát hại ở Hà Nội: Hung thủ đối mặt án tử hình?

Chuyên gia pháp lý cho rằng, nghi phạm sát hại em bé 3 tuổi sẽ bị áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng và phải đối mặt với mức án nghiêm khắc nhất?
Cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ bé trai 3 tuổi bị sát hại ở Hà Nội (Ảnh: Đ.X)
Cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ bé trai 3 tuổi bị sát hại ở Hà Nội (Ảnh: Đ.X)

Liên quan đến vụ việc bé trai 3 tuổi ở xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị sát hại, ngày 15/2, Công an TP Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra nghi phạm về tội “Giết người”.

Trước đó, ngày 11/2 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán), Văn phòng CQ CSĐT Công an TP Hà Nội nhận tin báo của Công an huyện Sóc Sơn về trường hợp một bé trai 3 tuổi (ở thôn Lai Cách, xã Xuân Giang) bị sát hại.

Ngay sau khi nhận trình báo, lực lượng chức năng địa phương đã tới hiện trường, phong tỏa, bảo vệ nơi xảy ra vụ án để điều tra. Bước đầu, cơ quan Công an xác định nghi phạm gây án là người đàn ông hàng xóm, sống gần nhà nạn nhân. Đối tượng đã bị Công an bắt giữ ngay sau đó. Danh tính và động cơ gây án của bị can chưa được thông tin.

Vụ việc đang được khẩn trương điều tra, làm rõ, để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với thông tin ban đầu như trên, đây là một vụ việc mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm nên CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can là có căn cứ.

Theo luật sư Thái, cháu bé 3 tuổi còn là trẻ em, chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân nên hành vi xâm hại đến tính mạng của trẻ em là rất đáng lên án. CQĐT sẽ làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong, làm rõ danh tính của nghi phạm và khả năng nhận thức điều khiển hành vi của nghi phạm tại thời điểm sự gây án.

Đặc biệt, đối với tội danh “Giết người” có khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phân tích về các tình tiết tăng nặng khung hình phạt trong vụ án, luật sư Thái cho biết thêm: “Nghi phạm sát hại em bé 3 tuổi này sẽ bị áp dụng nhiều tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 123, BLHS năm 2015, cụ thể như: có tính chất côn đồ (điểm n); vì động cơ đê hèn (điểm q); giết người chưa đủ 16 tuổi (điểm b)...

Vì vậy, hình phạt mà nghi phạm trong vụ án này phải đối mặt có thể sẽ là hình phạt cao nhất là tử hình. Việc quyết định hình phạt do tòa án thực hiện trên cơ sở các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tranh tụng tại phiên tòa”.

“Thông thường hành vi sát hại trẻ em là do ý thức coi thường pháp luật hoặc do sử dụng trái phép rượu bia, chất kích thích… dẫn đến hạn chế khả năng kiểm soát hành vi. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào chăng nữa, hành vi sát hại trẻ em là hành vi rất đáng lên án, nghi phạm thực hiện sẽ bị xử lý hình sự với chế tài nghiêm khắc” - luật sư Thái thông tin.

Ngoài việc phải chịu hình phạt, luật sư Thái cho biết, nghi phạm bị tòa án kết tội “Giết người” sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra cho gia đình nạn nhân bao gồm: chi phí mai táng và khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 100 tháng lương tối thiểu, mức bồi thường cụ thể sẽ do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định trên cơ sở những thiệt hại thực tế xảy ra.

Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, ăn năn hối cải... là những tình tiết có thể xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho những đối tượng phạm tội.

Vụ việc cho thấy nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bị bảo hành là có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, đối tượng thực hiện hành vi bạo hành trẻ em thường là những đối tượng có nhiều cơ hội, thời cơ tiếp xúc với trẻ em. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, ông bà mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Thông tin mới vụ bé 3 trai tuổi ở Hà Nội bị sát hại ngày mùng 2 Tết
Nghi phạm bắt cóc cháu bé 3 tuổi đòi tiền chuộc 2 tỷ đối diện với tội danh nào?
An Giang: Bé 3 tuổi bị chó cắn thương tích nghiêm trọng

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.