Người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam xử lý thế nào?

Đầu tháng 2/2024, một vụ án mạng xảy ra tại địa bàn TP Phan Thiết. Nạn nhân là người nước ngoài, sau đó lực lượng chức năng đã bắt được nghi phạm cũng là một người nước ngoài, đồng hương với nạn nhân. Vậy khi người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam thì xử lý thế nào là câu hỏi của nhiều người.
Nghi phạm Nikiforov Roman, người có hành vi giết đồng hương rồi phi tang.	Ảnh: CACC
Nghi phạm Nikiforov Roman, người có hành vi giết đồng hương rồi phi tang. Ảnh: CACC

Giết đồng hương vì mâu thuẫn việc thuê trọ

Theo đó, chiều 1/2, người dân đi làm rẫy ở xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết)phát hiện một thi thể nam giới được quấn trong tấm ga trải giường nên đã trình báo cơ quan chức năng. Qua xác minh của CQCA, nạn nhân tên Vasilii (quốc tịch Nga, 44 tuổi, ở trọ tại khu phố 1, phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết) đã tử vong trong khoảng thời gian từ 2 - 4 ngày trước khi được phát hiện. Cơ quan cảnh sát điều tra xác định đây là vụ án giết người. Hung thủ sau khi gây án đã quấn nạn nhân lại bằng tấm ga trải giường và túi nilon, sau đó đem đến bãi đất trống để phi tang nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Sau hơn 48 giờ tập trung lực lượng khẩn trương điều tra, truy tìm hung thủ gây án, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt giữ được nghi phạm gây án. Nghi phạm tên là Nikiforov Roman (40 tuổi, quốc tịch Nga). Nạn nhân có cùng quốc tịch với nghi phạm và từng ở chung phòng trọ với nhau.

Theo lời khai ban đầu của nghi phạm, đêm 30/1, tại một phòng trọ trên địa bàn phường Hàm Tiến, 2 người phát sinh mâu thuẫn từ việc thuê trọ, dẫn đến đánh nhau. Nghi phạm đã dùng búa tấn công nạn nhân, sau đó chở thi thể nạn nhân đi phi tang và đem hung khí cất giấu.

Xử lý theo Bộ luật Hình sự?

Về việc người nước ngoài phạm tội, cụ thể là giết người trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ bị xử lý thế nào, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Bộ luật Hình sự của nước ta được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cụ thể tại Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Như vậy, theo quy định trên, người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nếu thuộc đối tượng hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì được giải quyết theo tập quán quốc tế hoặc giải quyết bằng con đường ngoại giao. Trường hợp người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam nhưng không thuộc trường hợp được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Vậy, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam nhưng không thuộc trường hợp được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Trong đó, hành vi giết người tại Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.

Tội “Giết người” được quy định cụ thể tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tùy vào tính chất, mức độ phạm tội mà người phạm tội giết người có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Bên cạnh đó, với người nước ngoài phạm tội, Bộ luật Hình sự còn quy định một hình phạt riêng với người nước ngoài là trục xuất. Trục xuất là có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, buộc người phạm tội phải rời khỏi Việt Nam trong một thời hạn nhất định (theo Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015).

Ngoài ra, theo luật sư Hùng, trường hợp đối tượng gây án trốn ra nước ngoài, có thể là trốn về nước, cơ quan chức năng Việt Nam có thẩm quyền ra quyết định truy nã, hoặc phối hợp với cơ quan thẩm quyền quốc gia người đó đang hiện diện để truy bắt hoặc xử lý; thậm chí có thể đề nghị tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế Interpol bắt giữ, giao nộp đối tượng theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp. Sau khi bắt giữ, đối tượng có thể được dẫn độ về Việt Nam điều tra, xét xử và chấp hành hình phạt.

Lật tẩy hành vi phạm tội của gã đàn ông U60 ở Điện Biên
Kiểm tra hành chính một căn nhà, lộ hành vi phạm tội của nam thanh niên
Khi nào đánh bạc sẽ bị xử lý hình sự?

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.