Góc nhìn pháp lý vụ Chủ tịch Hải Hà Petro bị bắt

Chuyên gia pháp lý cho rằng, Cơ quan CA sẽ tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội và đặc biệt làm rõ ngoài bị can đã bị khởi tố còn ai đồng phạm về tội danh này hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bị can Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Hải Hà Petro. 	Ảnh: Bộ Công an
Bị can Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Hải Hà Petro. Ảnh: Bộ Công an

Dùng 317 tỷ đồng bình ổn giá sai quy định

Sau thời gian đấu tranh chuyên án, Bộ CA đã công bố, Cơ quan điều tra (CQĐT) (C03) đã khởi tố bị can Trần Tuyết Mai - Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Cty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Cty Hải Hà) và 2 thuộc cấp liên quan vụ dùng sai tiền quỹ bình ổn giá gây thất thoát 317 tỷ đồng và không khai nộp thuế bảo vệ môi trường làm thiệt hại 15 tỷ đồng.

Theo đó, bà Trần Tuyết Mai đã chỉ đạo kế toán trưởng Lê Thị Huệ thực hiện các hành vi sai phạm: không nộp số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) vào tài khoản tiền gửi theo quy định, sử dụng tiền Quỹ BOG trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước số tiền trên 317 tỷ đồng.

Bà Mai còn bị cáo buộc chỉ đạo lập, sử dụng hai hệ thống sổ kế toán, khai man, để ngoài sổ kế toán, không kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường đối với trên 3,8 triệu lít xăng A95 đã bán ra trong năm 2020, gây thiệt hại (tạm tính) cho ngân sách Nhà nước số tiền trên 15 tỷ đồng.

Với những cáo buộc nêu trên, bà Mai và Lê Thị Huệ bị cáo buộc 2 tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Người còn lại là Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phụ trách Phòng Tổng hợp Cty Hải Hà bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trao đổi về vụ án này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, điều đáng chú trong vụ này là các bị can bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đối với số tiền của quỹ bình ổn xăng dầu. Kết quả điều tra bước đầu xác định, bà Trần Tuyết Mai đã chỉ đạo nhân viên thực hiện các hành vi sai phạm như không nộp số tiền trích lập quỹ bình ổn giá vào tài khoản tiền gửi theo quy định, sử dụng tiền quỹ bình ổn giá trái quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước số tiền trên 317 tỷ đồng.

Còn ai đồng phạm về tội danh này?

Luật sư Thái phân tích, theo quy định của pháp luật, DN kinh doanh xăng dầu phải nộp tiền vào quỹ bình ổn xăng dầu, nộp vào tài khoản riêng và không được phép sử dụng số tiền này. Tuy nhiên các bị can không nộp đầy đủ và còn sử dụng số tiền của quỹ này vào mục đích cá nhân gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu. Hành vi này đã được cơ quan thanh tra chỉ ra và CQĐT có căn cứ để khởi tố, xử lý hình sự.

Theo quy định của pháp luật, người được giao quản lý sử dụng tài sản Nhà nước phải quản lý sử dụng theo đúng quy chuẩn, quy tắc, sử dụng đúng tiêu chuẩn định mức. Nếu vi phạm quy định về quản lý sử dụng gây thất thoát, lãng phí, có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219, BLHS năm 2015.

Tội danh này có khung hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Còn nếu gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 20 năm, đây là mức phạt cao nhất của tội danh này. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, người phạm tội phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với tài sản đã làm thất thoát lãng phi của Nhà nước. Từ bình luận trên, luật sư Thái cho biết, CQĐT sẽ tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội, xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội và đặc biệt làm rõ ngoài bị can đã bị khởi tố còn ai đồng phạm về tội danh này hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, đối với tội “Vi phạm về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, hình phạt cao nhất cũng có thể tới 20 năm tù. Theo quy định của pháp luật, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần. Hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nào sẽ xử lý về tội danh đó, một hành vi đã sử dụng làm tình tiết định tội sẽ không dùng làm tình tiết định khung hình phạt. Nếu hành vi vi phạm pháp luật mà không sử dụng làm tình tiết định tội, định khung hình phạt, có thể sử dụng làm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Một hành vi vi phạm pháp luật có thể có dấu hiệu của nhiều tội danh, trong đó tội danh nào thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu thì xử lý về tội danh đó. Nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu của nhiều tội danh sẽ căn cứ vào động cơ, mục đích, căn cứ vào hậu quả để áp dụng một tội danh phù hợp trên nguyên tắc nếu một hành vi thỏa mãn dấu hiệu của nhiều tội danh sẽ áp dụng hình phạt của tội có khung hình phạt nghiêm khắc hơn.

Bắt tạm giam nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến
Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc Công ty Thăng Long

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.