Hà Nội: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển các cụm công nghiệp

Hà Nội vừa hành Kế hoạch số 20/KH-UBND về việc quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP năm 2024.
Khu công nghiệp Thăng Long – Hà Nội. 	Ảnh: NS
Khu công nghiệp Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: NS

Phát triển hạ tầng cụm công nghiệp

Kế hoạch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP; tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn TP.

Mục tiêu cụ thể là tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP và khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 23 cụm công nghiệp còn lại nhằm hoàn thành khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018 - 2020; hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15 - 20 cụm công nghiệp; thành lập và mở rộng 10 - 15 cụm công nghiệp. Phấn đấu 100% cụm công nghiệp xây dựng mới và 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP triển khai thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp; tổ chức quản lý, phát triển các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; phát triển, thành lập cụm công nghiệp mới và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý hoạt động các cụm công nghiệp trên địa bàn TP.

UBND TP giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các Chủ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn TP tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quản lý, phát triển cụm công nghiệp, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện theo đúng quy định và yêu cầu chỉ đạo của TP.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha, thu hút được khoảng 3.864 hộ, DN vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Trong đó, có 25/70 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu; 45/70 cụm công nghiệp còn nhiều hạng mục hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng theo quy định, thậm chí còn nhiều cụm công nghiệp (hình thành từ trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp) cơ bản chưa được đầu tư hạ tầng.

Các cụm công nghiệp này được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư cấp huyện làm chủ đầu tư; kinh phí hoạt động được bố trí từ ngân sách huyện nên rất hạn chế trong đầu tư xây dựng, bổ sung công trình còn thiếu hoặc sửa chữa, nâng cấp, duy tu hạ tầng cho các cụm công nghiệp.

Mục tiêu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những TP hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hiện đang đưa vào hoạt động và có tiềm năng phát triển gần với trung tâm Thủ đô, hệ thống đường giao thông nội bộ được thiết kế đảm bảo cho các phương tiện di chuyển một cách dễ dàng và thuận tiện như cụm công nghiệp Phương Trung.

Là một trong những dự án cụm công nghiệp có quy mô vừa dành cho DN vừa và nhỏ, cụm công nghiệp Phương Trung đang là điểm sáng trong bối cảnh thị trường bất động sản công nghiệp chuyển biến tích cực. Đây là cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thiện thi công hạ tầng, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, giấy phép môi trường...; sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư vào thuê đất cần diện tích vừa và nhỏ quanh Hà Nội từ tháng 11/2023.

Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, đầu tư vào khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn TP nói chung đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, với mục tiêu đạt được chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là 10,2%/năm. Điều này cũng nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thời gian tới, TP tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Với các cụm công nghiệp mới xây dựng, cần làm chuẩn chỉ ngay từ công tác quy hoạch để có hạ tầng hoàn chỉnh.

Các cụm công nghiệp cần được xây dựng đồng bộ từ đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, viễn thông, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ, khu bến bãi, tường rào; chỉ được phục vụ sản xuất, không được ở… để có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt được hiệu quả tốt hơn, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Có thể thấy, việc hình thành và phát triển mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, công tác quản lý Nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua đã được quy định thống nhất, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động.
Hà Nội: Các cụm công nghiệp sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội
Hà Nội phát triển các cụm công nghiệp "xanh" để thu hút đầu tư nước ngoài
Hà Nội phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển cụm công nghiệp

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.