Triển khai các giải pháp chống buôn lậu dịp giáp Tết

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép thường diễn biến phức tạp. Thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, hiện các lực lượng chức năng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra hàng hóa nghi là pháo, không có hóa đơn chứng từ tại phường Phúc La (quận Hà Đông). Ảnh: T.H
Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra hàng hóa nghi là pháo, không có hóa đơn chứng từ tại phường Phúc La (quận Hà Đông). Ảnh: T.H

Liên tiếp phát hiện vi phạm thương mại

Thời gian vừa qua, lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội triển khai đợt cao điểm kiểm soát thị trường. Đơn vị đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ việc kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Ngày 2-1, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Đội 6 (Phòng Cảnh sát kinh tế, CA TP Hà Nội) kiểm tra hộ kinh doanh tại số 40, ngõ 300B đường Nguyễn Xiển (thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cũng đã tạm giữ gần 20.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Tổng giá trị hàng hóa lên tới hơn 380 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 3-1, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế (CA TP Hà Nội) kiểm tra hộ kinh doanh phụ tùng xe máy tại xóm Chùa (thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 80 sản phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp; 308 sản phẩm là phụ tùng xe máy mang nhãn hiệu Honda đang được bảo hộ tại Việt Nam có dấu hiệu giả mạo. Giá trị hàng hóa lên tới hơn 121 triệu đồng.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, bên cạnh phương thức, thủ đoạn cũ như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa..., các đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, khó lường như không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh.

Dù cơ quan chức năng liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ các vụ buôn lậu số lượng lớn nhưng tình trạng buôn lậu thời điểm giáp Tết không có dấu hiệu hạ nhiệt, mà diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn như: lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện để mua bán, vận chuyển, trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng…

Quyết liệt triển khai các giải pháp

Dịp Tết Nguyên đán là cao điểm mua sắm, nhiều DN khuyến mại, xả hàng tồn, vì vậy, lực lượng chức năng cũng sẽ kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả do nước ngoài sản xuất nhưng gắn nhãn của DN Việt, qua đó bảo vệ uy tín của DN sản xuất trong nước và quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường được triển khai với mục tiêu bảo đảm ổn định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, các đội quản lý thị trường đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức trong việc tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại. Việc đấu tranh tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dự báo nhu cầu sử dụng tăng cao trong dịp lễ, Tết như các mặt hàng thuốc lá, pháo nổ, thực phẩm, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Địa bàn tập trung kiểm tra là các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa, tuyến giao thông trọng điểm...

Nhằm góp phần ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2023 và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ giữa tháng 11-2023, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các vi phạm.

Năm 2023, các cơ quan, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ (tăng 1,01% so với năm 2022), xử lý hành chính 26.535 vụ vi phạm; khởi tố 163 vụ (tăng 25,38% so với năm 2022) với 192 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 4.307,7 tỷ đồng (tăng 15,78% so với năm 2022). Trị giá hàng hóa vi phạm bị tịch thu là 557,5 tỷ đồng.
Năm 2023, hải quan phối hợp bắt giữ hơn 14.600 vụ việc vi phạm pháp luật
Bí mật bên trong kho hầm được ngụy trang sau tủ quần áo
Phát hiện, bắt giữ hơn 26.500 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong năm 2023

Song Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.