Huyện Thanh Trì, Hà Nội: Hoàn thiện dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực tư pháp

Năm 2023, Phòng Tư pháp huyện Thanh Trì đã chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, tránh rườm rà, gây phiền hà cho người dân, từng bước hoàn thiện dịch vụ hành chính công trên lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền phụ trách theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện, phục vụ tốt nhất nhu cầu của cá nhân, DN…
Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24h tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.	Ảnh: M.H
Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24h tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Ảnh: M.H

Theo lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện, đơn vị đã tập trung chỉ đạo công chức tư pháp – hộ tịch các xã, thị trấn tham mưu thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) một cách toàn diện; đẩy mạnh triển khai công tác CCHC tại các xã, thị trấn thông qua hình thức tự kiểm tra gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC trên lĩnh vực tư pháp.

Trong kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao các Chỉ số SIPAS, PARINDEX, PAPI của huyện, Phòng Tư pháp huyện đã xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Trong năm 2023, phòng đã thực hiện thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn huyện, qua đó kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật của các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chứa quy phạm pháp luật do các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn ban hành để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thẩm định dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn các phòng, ban chuyên môn của huyện; Tổ chức hội nghị tọa đàm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cho các đại biểu là cán bộ, công chức các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn.

Năm qua, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện và các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức trên 220 hội nghị chuyên đề, hội nghị lồng ghép tập trung tuyên truyền các Luật về: Luật Đất đai, Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ Luật hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí, Luật Cư trú, Luật Xử lý vi phạm hành chính, các quy định pháp luật về giao thông đường bộ, quy định về xử phạt nồng độ cồn; phòng, chống ma túy, bạo lực học đường ... và các Nghị định hướng dẫn chuyên ngành cho trên 30.800 lượt người tham dự.

Phối hợp UBND các xã, thị trấn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các nhà trường cho cán bộ, giáo viên và học sinh về công tác phòng chống ma túy, HIV/AIDS, bạo lực học đường… Tổ chức lồng ghép giáo dục pháp luật vào các tiết học đạo đức, giáo dục công dân và một số môn học khác với nhiều nội dung phong phú, đa dạng.

Về rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc rà soát các thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Phát hiện các thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, trái quy định của pháp luật để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính không phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sự minh bạch của bộ máy hành chính.

Hiện nay, số lượng thủ tục hành thuộc lĩnh vực tư pháp theo Quyết định số 3109/QĐ-UBND ngày 6/6/2023 của UBND TP Hà Nội về việc công bố danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp TP, UBND huyện, UBND cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội là 32 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp huyện và 01 thủ tục hành chính liên thông.

Triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới xây dựng nền hành chính hiện đại trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025”, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành và giải quyết thủ tục hành chính; đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống mạng, trang thiết bị làm việc tại bộ phận “một cửa”, tiếp dân từ huyện đến cơ sở theo hướng hiện đại.

Huyện Thanh Trì đã thành lập 23 điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24h tại 16 xã, thị trấn từ nguồn kinh phí xã hội hóa, đã hỗ trợ trên 6.000 lượt công dân. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp huyện đạt 85,21%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức 3 cấp huyện đạt 86,76%.
Thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp được giải quyết đúng thời hạn
Huyện Mê Linh hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong lĩnh vực tư pháp
16 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý thuộc lĩnh vực tư pháp

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.