Lựa chọn sách giáo khoa vì quyền lợi học sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Thông tư, mỗi khối lớp lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm các nội dung, chuyên đề học tập lựa chọn nếu có) được thực hiện ở cơ sở giáo dục (gọi chung là môn học). Việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh. Tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Người đứng đầu các cơ sở giáo dục có thẩm quyền thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa có đủ thành phần: lãnh đạo cơ sở giáo dục, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh. Chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng/giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ phải chịu trách nhiệm về việc triển khai và giải trình về việc lựa chọn SGK của cơ sở.

Như vậy có nghĩa, quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa về cho cơ sở giáo dục, như vậy là không còn chuyện hội đồng của địa phương chọn cho tất cả các trường. Có nghĩa sẽ không còn tồn tại việc người không sử dụng lại đi chọn cho người sử dụng.

Động thái này của Bộ Giáo dục được đón nhận và đánh giá cao. Bởi lẽ, một bộ SGK thế nào để giáo viên đảm bảo yêu cầu giảng dạy cả cho giáo viên và tiếp thu của học sinh là điều mà giáo viên hiểu hơn cả. Ngoài ra, khi được giao trọng trách lớn hơn thì ý thức nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu dạy học của giáo viên cũng có những thay đổi tích cực.

Bởi lẽ, khi trao quyền chọn SGK cho giáo viên, nhà trường, giáo viên sẽ phải vất vả hơn trong việc nghiên cứu, đánh giá để chọn lựa nhưng đó là hướng rất phù hợp. Khi đó, giáo viên sẽ phải đọc tất cả đầu sách và đánh giá, so sánh ưu, nhược điểm cũng như mục tiêu của sách này có phù hợp học sinh của khu vực hay không; với SGK đó, phụ huynh có thuận lợi để phối hợp với giáo viên trong việc đồng hành, hỗ trợ trẻ hay hay không. Việc lựa chọn SGK còn có thể sẽ rút ngắn thời gian hơn, giúp cho việc in ấn, cung ứng SGK chủ động hơn. Hơn nữa, trả lại quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục, cũng là trả sự cạnh tranh sòng phẳng cho các nhà làm sách.

Mặc dù cũng còn nhiều băn khoăn, thắc mắc, nhưng suy cho cùng, việc giao quyền tự chủ cho những người đang giảng dạy lựa chọn SGK phù hợp với thực tế giáo dục là điều phù hợp.

Phê bình cần đúng và trung thực
Phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 5 từ năm học 2024-2025
Những sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 nào trong danh mục cần có cho năm học mới?

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.