Khơi nguồn sáng tạo giá trị di sản công nghiệp Hà Nội

Kỳ 1: Sức hút mới của các di sản công nghiệp

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” đã trở thành sự kiện văn hóa, nghệ thuật sôi động nhất Thủ đô khi thu hút 230.000 lượt khách tham quan. Năm nay, từ khóa về “di sản công nghiệp” một lần nữa trở thành một trong những chủ đề “nóng” của đô thị phát triển. Các chuyên gia, kiến trúc sư bày tỏ quan điểm về việc cần có cơ chế pháp lý căn bản để bảo tồn và phát huy giá trị di sản công nghiệp tại Hà Nội trước nguy cơ bị thay thế hoặc “xóa sổ” hoàn toàn.
Không gian sáng tạo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thu hút đông đảo người dân đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Mộc Miên
Không gian sáng tạo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thu hút đông đảo người dân đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Mộc Miên

Vì sao Tháp nước Hàng Đậu chưa được công nhận di tích?

Lần đầu tiên mở cửa trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 sau hàng chục năm “cửa đóng, then cài”, Tháp nước Hàng Đậu (Bốt Hàng Đậu) thu hút hàng nghìn du khách tham quan. Một công trình kiến trúc lịch sử gần 130 tuổi, tọa lạc vị trí đắc địa Thủ đô nay thay đổi diện mạo mới từ không gian trưng bày thiết kế với triển lãm “Trưng bày sắp đặt Ánh sáng và Nước”. Đúng với chủ đề “Dòng chảy”, các thiết kế mang đậm bản sắc sáng tạo của những chiếc túi nilon tái chế nhiều màu sắc giống như những giọt nước chảy, cùng với hiệu ứng âm thanh sống động mang đến trải nghiệm vô cùng ấn tượng cho du khách.

Những ngày đầu mở cửa, không khó bắt gặp hình ảnh dòng người xếp hàng dài chờ đợi vào tham quan. Đa số ý kiến bày tỏ sự hài lòng, bất ngờ khi được tham quan công trình kiến trúc lịch sử với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng bắt mắt. Chia sẻ niềm vui khi được tham quan công trình kiến trúc lịch sử, bà Lê Thị Linh (70 tuổi, phố Hàng Than) bày tỏ: “Khi biết thông tin Tháp nước Hàng Đậu mở cửa, người dân chúng tối rất háo hức, đón chờ. Công trình kiến trúc từng là địa điểm, không gian công cộng của những người dân phố cổ, từng gắn bó thời thơ ấu của nhiều thế hệ, trải qua hơn một trăm năm thăng trầm, đến nay công trình kiến trúc lịch sử tạm dừng công năng chính là nơi cấp nước cho người dân phố cổ để khoác lên sứ mệnh lịch sử khác, mang giá trị di sản công nghiệp Thủ đô. Chúng tôi mong muốn Tháp nước Hàng Đậu sẽ được mở cửa kéo dài không chỉ hoạt động trong khuôn khổ của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023”.

Ngoài sức hút của Tháp nước Hàng Đậu, tuyến địa điểm chính tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Ga Long Biên và Ga Gia Lâm đã trở thành điểm đến yêu thích của người dân và du khách. Thành công của lễ hội đã thu hút 230.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Lần đầu tiên, một lễ hội diễn ra ở địa điểm xa trung tâm TP vượt mục tiêu ban đầu. Lễ hội được tổ chức hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc, 20 trưng bày và triển lãm, 20 hội thảo, tọa đàm trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo với sự tham gia đóng góp của đội ngũ hơn 200 nghệ sĩ, kiến trúc sư. Sau 12 ngày tổ chức (từ ngày 17/11 đến 28/11), Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đón khoảng 200.000 lượt khách tham quan; Tháp nước Hàng Đậu (Bốt Hàng Đậu) thu hút 30.000 lượt khách.

Thành công của lễ hội đã cơ bản thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững. Đặc biệt, việc tổ chức lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc diện di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo, tổ hợp văn hóa sáng tạo mới, góp phần hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra tại sao công trình Tháp nước Hàng Đậu chưa được công nhận di tích. Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, công trình Tháp nước Hàng Đậu được các chuyên gia, những người yêu Hà Nội coi là một trong những di sản công nghiệp quý giá cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Nhưng Luật Di sản chưa có nội dung quy định “di sản công nghiệp” nên công trình hiện vẫn là tài sản của Tổng Cty Nước sạch Hà Nội và chưa được xếp hạng di tích.

Cần ứng xử đúng với di sản công nghiệp

Theo ý kiến các chuyên gia, để phát huy giá trị di sản công nghiệp, không chỉ dừng lại ở trạng thái “đánh thức”, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa của các cấp chính quyền, sự chung tay của giới nghệ sĩ, kiến trúc sư trong việc “hiện thực hóa” di sản công nghiệp trở thành không gian sáng tạo mới.

“Đã đến lúc chúng ta phải có cách ứng xử đúng với di sản công nghiệp” là trăn trở của TS Vương Hải Long, Trưởng khoa Kiến trúc (ĐH Kiến trúc Hà Nội). Kiến trúc sư Vương Hải Long cho biết, hiện nay, nhiều di sản công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã biến mất hoặc thay thế công trình mới. Dù sự biến đổi mang tính tất yếu trước sức ép của đô thị nhưng đã đến lúc cần phải có cách ứng xử đúng với di sản này.

Kiến trúc sư Vương Hải Long cho rằng, Hà Nội có nhiều công trình cũ, tuy không còn giá trị sử dụng, lạc hậu so với cuộc sống và thời đại nhưng ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa mà chúng ta cần xem xét trước khi “xóa sổ”. Chúng ta cần phải có một lộ trình về lập quy hoạch các dự án trong việc chuyển đổi chức năng các công trình, nhà máy cũ để vừa đáp ứng yêu cầu của hiện đại, phù hợp tiến trình phát triển đô thị, vừa bảo đảm vẫn lưu lại những dấu vết ký ức về lịch sử, văn hóa của công trình. Đòi hỏi chúng ta cần phải ứng xử với những công trình này một cách nhân văn nhất.

Trên góc độ tiếp cận di sản công nghiệp, TS, Kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến cho biết, trong bối cảnh đô thị không ngừng vận động và phát triển, các công trình công nghiệp cũ không chỉ là đối tượng của bảo tồn mà còn là điểm tựa văn hóa, động lực cho phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi các công trình di sản công nghiệp cần được triển khai bằng phương pháp phù hợp để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trước mắt.

TS Đinh Thị Hải Yến đánh giá vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng trong việc điều phối, xây dựng các quy hoạch và giải quyết mâu thuẫn về bảo tồn và phát triển, tái thiết các di sản công nghiệp.

Theo số liệu nghiên cứu của TS, Kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 185 công trình công nghiệp, trong đó 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình đã bị phá hủy, chuyển đổi. Những công trình trước năm 1945 có Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; giai đoạn 1954-1965 có 24 công trình, giai đoạn 1965-1975 có 12 công trình, giai đoạn 1975-1986 có 10 công trình...

(Còn nữa)

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.