Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Chỉ nên điều chỉnh những dự án luật, pháp lệnh thực sự cấp bách

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, đối với 4 dự án luật gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại phiên họp phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/12.  Ảnh: Thu Trang
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại phiên họp phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/12. Ảnh: Thu Trang

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi 04 Luật trên để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành các luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các chính sách được đề xuất trong các dự án luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đề nghị Chính phủ, trong quá trình soạn thảo các dự án luật này sau khi được bổ sung vào Chương trình, cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, bảo đảm tính toàn diện của nội dung tổng kết, đánh giá tác động, tính khả thi và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung Chương trình năm 2024. Cụ thể, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, thông qua tại kỳ họp thứ tám như đề nghị của Chính phủ.

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám (lùi một kỳ so với đề nghị của Chính phủ) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, đánh giá tác động, bảo đảm chất lượng dự án Luật.

Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ bảy theo quy trình tại một kỳ họp để sớm ban hành Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc trình các nội dung phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, dù Luật cho phép nhưng các cơ quan liên quan chỉ nên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung, điều chỉnh chương trình đối với những dự án luật, pháp lệnh thực sự cấp bách, đột xuất. Chủ tịch Quốc hội cho rằng các dự án Luật phải tính toán tổng thể trong hệ thống pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng “có gì làm nấy”, dẫn đến thiếu tính đồng bộ, thống nhất.

Thông qua Pháp lệnh về quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND
Công bố Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Bổ sung 3 Dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Quân Đào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.