Thế hệ mới - Lên tiếng vì thành phố an toàn

Tọa đàm “Thế hệ mới - Lên tiếng vì thành phố an toàn” là một sự kiện trong dự án “Thành phố An toàn và Thân thiện với em gái” (2020-2023). Mục tiêu của tọa đàm là nhằm tăng cường vai trò của thanh thiếu niên trong việc phòng ngừa và ứng phó với các hành vi quấy rối, đặc biệt trên các phương tiện công cộng; hướng tới xây dựng một TP an toàn, nơi mà mọi người đều được bảo vệ và không bị quấy rối.
Toạ đàm “Thế hệ mới - Lên tiếng vì thành phố an toàn” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.   Ảnh: MSD
Toạ đàm “Thế hệ mới - Lên tiếng vì thành phố an toàn” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Ảnh: MSD

Bên cạnh đó, nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng thanh, thiếu niên trong việc phòng ngừa và ứng phó với các hành vi quấy rối/xâm hại tình dục trên phương tiện công cộng và các địa điểm công cộng cũng được nâng cao; từ đó, chấm dứt các hành vi và quan niệm đổ lỗi cho nạn nhân bị quấy rối và xâm hại, xóa bỏ các khuôn mẫu giới, định kiến giới.

Sự kiện được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Tổ chức Plan International Việt Nam, Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên hiệp Hội Phụ nữ Hà Nội, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT).

Theo khảo sát về vấn đề an toàn nơi công cộng đối với phụ nữ, trẻ em gái và người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTI), có hơn 30% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn ở một số điểm công cộng nơi họ sống. 29,7% nạn nhân lựa chọn cách im lặng chịu đựng và không làm gì trước các hành vi quấy rối tình dục của thủ phạm. Khi phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục đề nghị hỗ trợ thì có tới 2,7% phản ứng bằng cách “đổ lỗi cho nạn nhân”.

Tọa đàm “Thế hệ mới - Lên tiếng vì thành phố an toàn” được tổ chức nhằm tập huấn, thảo luận nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng thanh, thiếu niên trong việc phòng ngừa và ứng phó với các hành vi quấy rối/xâm hại tình dục trên phương tiện công cộng và các địa điểm công cộng; chấm dứt các hành vi và quan niệm đổ lỗi cho nạn nhân bị quấy rối và xâm hại, xóa bỏ các khuôn mẫu giới, định kiến giới.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện UBND huyện Đông Anh (Hà Nội), đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh, tổ chức Plan International Việt Nam, nhà báo Bùi Ngọc Hải - Tổng biên tập Báo điện tử Soha, đại diện các cơ quan báo chí và sự có mặt của hơn 600 phụ huynh và học sinh, thầy cô giáo Trường THCS Cổ Loa tham dự.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững đã chia sẻ: “Mỗi em học sinh đều là một vị thủ lĩnh, có thể lan tỏa thông điệp, hành động tích cực để cùng xây dựng một trường học an toàn, hạnh phúc. Chúng tôi hy vọng, sau sự kiện ngày hôm nay, hơn 600 vị thủ lĩnh tại đây có thể áp dụng những hoạt động tích cực này, hướng dẫn, tuyên truyền cho những người xung quanh về các kỹ năng, thông tin, để tất cả mọi người đều có sự hiểu biết, nhận thức đúng đắn để bảo vệ bản thân cũng như người thân khi đối mặt với những tình huống liên quan đến xâm hại, quấy rối”.

Bà Nguyễn Thị Thuần - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Loa nhấn mạnh: “Thanh thiếu niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua sự kiện này, Ban tổ chức muốn truyền tải thông điệp, xây dựng TP an toàn, cộng đồng an toàn, với sự chung tay góp sức của các bậc cha mẹ học sinh, của các thầy cô giáo, các em học sinh và toàn thể nhân dân hướng tới mục tiêu “Vì TP an toàn, vì cuộc sống an toàn. Bên cạnh đó, các em được tạo điều kiện để phát triển toàn diện, xây dựng các kỹ năng mềm, kiến thức xã hội để tự tin sẵn sàng bước vào cuộc sống sau này. Học sinh là nhân tố của sự thay đổi, hãy phát huy vai trò của mình vì mỗi cá nhân đều có những đóng góp rất tích cực tạo nên một môi trường học tập, làm việc an toàn bình đẳng”.

Trong phần giao lưu, nhà báo Bùi Ngọc Hải - Tổng biên tập Báo điện tử Soha cũng chia sẻ rằng, “Để xây dựng TP an toàn, đầu tiên các em cần phải có bản lĩnh. Có bản lĩnh thì mình sẽ tìm ra được các phương án thích hợp để đối phó với các tình huống quấy rối, bạo hành, khi bị chèn ép, bị phân biệt đối xử… Hỗ trợ các em cũng cần có sự lắng nghe, thấu hiểu từ thầy cô và cha mẹ, những người luôn yêu thương và hy vọng những điều tốt đẹp nhất đến với các em”.

Hội thảo khép lại với thông điệp: mọi hình thức quấy rối tình dục đều không thể chấp nhận và dung túng. Do đó, cần huy động sự tham gia tích cực từ các nhóm thanh, thiếu niên, từ việc chủ động nâng cao nhận thức, năng lực, xoá bỏ các khuôn mẫu giới, định kiến giới, chấm dứt hành vi đổ lỗi cho nạn nhân. Cần lan tỏa các thông điệp ý nghĩa về phòng ngừa và ứng phó với quấy rối, xâm hại tình dục trên phương tiện công cộng và tại các địa điểm công cộng tới bạn bè, người thân và cộng đồng; Khi chúng ta đồng lòng lên tiếng, đoàn kết - hợp tác và nỗ lực hành động, mọi hành động quấy rối dù ở đâu, dưới hình thức nào đều sẽ phải chấm dứt.

Nhân rộng mô hình “Thành phố an toàn cho trẻ em gái”
Hà Nội: Xây dựng Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.