Thanh Hóa:

Quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Thời gian qua, trong quá trình chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công, đến tháng 11/2023, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 36 văn bản, tổ chức 5 hội nghị giao ban toàn tỉnh, quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư, các địa phương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá trực tiếp kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh (ảnh X.N)
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá trực tiếp kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh. (ảnh X.N)

Tỉnh Thanh Hóa thành lập 5 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để làm việc và đi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án của các địa phương, các đơn vị trên địa bàn tỉnh; phân công từng thành viên UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn năm 2023.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 14.924,312 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kế hoạch là 14.894,418 tỷ đồng, bằng 99,8% KH cho 296 chương trình, nhiệm vụ và dự án (trong đó phân bổ cho 93 dự án đã hoàn thành, bao gồm 35 dự án đã hoàn thành có quyết toán và 58 dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt; 120 dự án chuyển tiếp; 65 dự án khởi công mới; 18 dự án chuẩn bị đầu tư). Việc phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023 đã tuân thủ các điều kiện, nguyên tắc, tiêu chí và thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của pháp luật đầu tư công và các văn bản liên quan.

Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công của cả nước còn gặp nhiều khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, đó là: Đến ngày 25/11/2023, giải ngân vốn năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) được 9.181 tỷ đồng, bằng 61,5% KH (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023).

Trong tổng số 94 chủ đầu tư, đơn vị được giao vốn năm 2023, có 73 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (có 38 chủ đầu tư, đơn vị đã giải ngân đạt 100% KH); 18 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh; 03 chủ đầu tư chưa giải ngân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ giải ngân đến từ một số nhóm như: Nhóm hạn chế, khó khăn và vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách; nhóm hạn chế, khó khăn và vướng mắc liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; nhóm hạn chế, khó khăn và vướng mắc mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2023.

Cụ thể như Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng 2% so với năm 2022 và tăng 35,7% so với năm 2021; trong khi năm 2023, ngoài việc điều hành kế hoạch vốn năm của các dự án đã có trong kế hoạch trung hạn, phải tập trung đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn của các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (chiếm 6,2% tổng nguồn của cả tỉnh), các dự án sử dụng vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 (chiếm 16,2%), gây áp lực cho việc giải ngân vốn…

Cùng với đó là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Tính đến đến ngày 25/11/2023, còn 23 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất (trong đó có 22 dự án đã lựa chọn được nhà thầu và đang thi công). Đặc biệt, đến ngày 4/12/2023 vẫn còn 17 dự án chưa lựa chọn được nhà thầu xây lắp...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu các ngành, các địa phương cần phải ưu tiên và đặt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công lên hàng đầu (ảnh X.N)
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu các ngành, các địa phương cần phải ưu tiên và đặt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công lên hàng đầu (ảnh B.P)

Ngày 5/12/2023, tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phân tích và chỉ rõ một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đó là: Tinh thần, trách nhiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở chưa cao, chưa quyết liệt; năng lực, trình độ của những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ và năng lực nhà thầu còn nhiều hạn chế...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ được giao. Thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều, vì vậy các ngành, các địa phương cần phải ưu tiên và đặt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công lên hàng đầu. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với nhiệm vụ này.

Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt ít nhất 95% kế hoạch
Tập trung phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023
Tập trung các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Huy Hoàng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.