Lập nhóm thông báo điểm chốt cảnh sát giao thông là vi phạm pháp luật

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, nhiều hội nhóm thường thông báo cho nhau những điểm chốt của cảnh sát giao thông (CSGT) để bạn bè tránh. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, bị xử hạt hành chính.
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông.	Ảnh: B.D
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông. Ảnh: B.D

Hội nhóm “báo chốt” trên mạng xã hội

Mới đây, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra cảnh báo về các hội nhóm “báo chốt” trên mạng xã hội, cản trở hoạt động của lực lượng chức năng, cổ súy hành vi vi phạm pháp luật. Theo thống kê có các hội nhóm như: Tránh chốt/ báo chốt 141; Chốt giao thông; Cảnh báo chốt giao thông; Thông chốt và báo chốt… có hàng nghìn người theo dõi, cập nhật thông tin thường xuyên về các địa điểm và hoạt động của lực lượng CSGT, lực lượng 141 khi đang làm nhiệm vụ.

Các hội nhóm này còn được lập theo địa phương, như: Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên… Mỗi thông tin đăng tải đều có nhiều bình luận ủng hộ, cổ vũ cho hành vi chống đối pháp luật. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều chủ tài khoản còn sử dụng ngôn từ cùng lời lẽ mỉa mai, xúc phạm CSGT. Các bài đăng này luôn thu hút đông đảo lượt tương tác, đa số đều hưởng ứng, dành những lời tán dương việc báo chốt, đồng thời cảm ơn việc cung cấp địa điểm. Trên thực tế, lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều hội nhóm có hành vi vi phạm như trên.

Cục An toàn thông tin cho biết, nội dung đăng tải và bình luận của các tài khoản trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng Công an Nhân dân nói chung và lực lượng CSGT nói riêng, tạo tâm lý xấu trong xã hội.

“Đây là một hành vi vi phạm pháp luật, không những gây ảnh hưởng đến hoạt động đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng, mà còn cổ súy thái độ và hành vi coi thường pháp luật, đối phó với các quy định pháp luật” - Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên tham gia vào các hội nhóm hay bình luận phiến diện trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, người dân cần nâng cao nhận thức về vai trò của các tổ công tác, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và duy trì sự tôn nghiêm của pháp luật.

Hành vi vi phạm pháp luật

Về vấn đề này, luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho biết, theo Điều 7 Thông tư 32/2023/TT-BCA, một trong các nhiệm vụ của CSGT là tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trong đó, các hình thức tuần tra, kiểm soát giao thông của CSGT được quy định tại Điều 10 Thông tư 32 gồm: tuần tra, kiểm soát cơ động bằng cách di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công; kiểm soát tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường; tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm hoặc tại Trạm CSGT. Và tất cả các hình thức tuần tra, kiểm soát giao thông kể trên đều phải thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư 32 cũng nêu rõ, đối với việc tuần tra, kiểm soát giao thông tại một điểm trên đường phải lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.

“Như vậy, CSGT có thể lập chốt kiểm soát giao thông tại bất cứ đoạn đường nào đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông, CSGT thường sẽ lập chốt tại các đoạn đường hay xảy ra vi phạm, các điểm nóng giao thông” - luật sư Thu cho biết.

Việc lập chốt kiểm soát giao thông là quyền và nghĩa vụ của CSGT, vậy nên, những nhóm “báo chốt” là hành vi vi phạm pháp luật, cản trở hoạt động của cơ quan chức năng.

Việc giám sát hoạt động của lực lượng CSGT trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là hoàn toàn được phép, theo Thông tư 67/2019/TT-BCA. Tuy nhiên, người dân không được tùy tiện đưa các thông tin, hình ảnh CSGT đang thực hiện nhiệm vụ lên các mạng xã hội, đăng tin trong các hội nhóm.

“Trường hợp lập nhóm Facebook, Zalo và đưa các thông tin, hình ảnh về chốt CSGT lên đó, người dân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Mức phạt đặt ra đối với cá nhân lập nhóm “báo chốt” CGST là từ 5 đến 10 triệu đồng” - luật sư Thu phân tích.

Theo đó, lỗi vi phạm được xác định ở đây là “hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích” theo quy định của pháp luật.

Admin page “báo chốt + thông chốt Bắc Giang” bị phạt hơn 7 triệu đồng
Xử lý nam thanh niên báo chốt lực lượng 141 trên facebook
Hội nhóm 700 thành viên chuyên "báo chốt" bị yêu cầu xoá bỏ

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.