Những bước đi bền vững của ngành nông nghiệp Hà Nội

Bài 1: Tăng tỷ trọng nhờ công nghệ số

Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định 4098/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND TP Hà Nội) xác định đối với lĩnh vực nông nghiệp, TP sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của ngành nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Bài 1: Tăng tỷ trọng của ngành nông nghiệp công nghệ số
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn. Ảnh: Sở NN&PTNN Hà Nội

Nông nghiệp công nghệ cao

Theo nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Các công nghệ mới được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao bao gồm: tự động hóa, cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao…; quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ… có hiệu quả kinh tế cao/đơn vị sản xuất.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%,...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%).

Trên địa bàn Hà Nội, năm 2022, ngành nông nghiệp của TP Hà Nội đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng gá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 40.600 tỷ đồng, tăng hơn 2,60% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt đạt hơn 16.200 tỷ đồng; chăn nuôi đạt trên 19.900 tỷ đồng; dịch vụ nông nghiệp đạt 875,8 tỷ đồng. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực. Tốc độ tăng trưởng nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58% so với năm 2021.

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn. Trong đó, lấy khâu đột phá là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất đồng thời với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% tổng sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đạt từ 45% trở lên; chăn nuôi đạt từ 80%; thủy sản đạt từ 60% trở lên.

Với nhiều thuận lợi về khoa học công nghệ kết hợp với sản xuất nông nghiệp, là nơi tập trung đội ngũ chuyên gia lành nghề, có diện tích đất vùng ven với nhiều vùng nông nghiệp tương đối thuận lợi, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mà điển hình là gắn với các ứng dụng số, công nghệ thông tin là tất yếu của nông nghiệp hiện đại.

Cần quy hoạch các vùng nông nghiệp hợp lý

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, từ đầu năm 2023 hết tháng 7/2023, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản của TP ước tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất nông, lâm sản và thủy sản ước đạt 21.917 tỷ đồng, tăng 2,23% so cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, hầu hết các nhóm lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội đều có tăng trưởng dương trong những tháng đã qua của năm 2023. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 20.254 tỷ đồng, tăng 2,17%; thủy sản đạt 1.622 tỷ đồng, tăng 3,21% (so với cùng kỳ 2022). Tổng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm và sản lượng trứng cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.

Bài 1: Tăng tỷ trọng của ngành nông nghiệp công nghệ số
Tùy theo từng vùng, các địa phương của Hà Nội áp dụng các mô hình phát triển phù hợp. Ảnh: TTXVN

Để tăng giá trị của sản xuất nông sản, cần tập trung cho nông sản ứng dụng công nghệ số, hay chính là sản phẩm của nông nghiệp công nghệ. Nhưng sản phẩm đó cho giá trị sản phẩm cao, tạo ra nguồn thu ổn định nhờ vào các thị trường xuất khẩu, và quan trọng hơn cả là phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại – khi họ muốn được truy xuất nguồn gốc, cũng như tin vào những chuỗi sản xuất hiện đại, đảm bảo chất lượng xanh, sạch, tốt.

Muốn có nông nghiệp công nghệ, bắt buộc bước quy hoạch nông nghiệp phải đúng và trúng, phù hợp với nền tảng vốn có của nông nghiệp Hà Nội.

Hiện nay, quy hoạch nông nghiệp của Hà Nội bám sát với tiến trình đô thị hóa, để phát triển nông thôn mới hài hòa giữa hiện đại và bản sắc. Không gian phát triển nông nghiệp Hà Nội chia ra theo 4 khu vực: Khu vực trong nội đô; khu vực vành đai 4 tạo cảnh quan không gian môi trường sinh thái hài hoà cho đô thị, giữ gìn văn hoá văn hiến nông nghiệp; khu vực trong phạm vi 5 đô thị vệ tinh gắn liền với nhiều cảnh quan, di tích lịch sử văn hoá; các khu vực trọng điểm phát triển nông nghiệp tại một số huyện ngoại thành.

Trong đó, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm gồm các vùng còn lại như huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất... quy hoạch thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản trong vùng đồng bằng sông Hồng; đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, bảo quản, chế biến.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, phương án quy hoạch ngành nông nghiệp Thủ đô được định hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo vùng tập trung phù hợp với điều kiện ba vùng sinh thái đồi gò, đồng bằng và bãi ven sông. Tùy theo từng vùng, các địa phương áp dụng các mô hình phát triển phù hợp; đa dạng loại hình sản xuất, kết hợp đa lĩnh vực du lịch, sinh thái, giáo dục, bảo vệ môi trường, nhất là chú trọng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.

"Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những định hướng quan trọng của Hà Nội. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đạt 70% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, như: Duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm để minh bạch các sản phẩm trên thị trường. Đến nay, hệ thống đang quản lý 3.229 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản và đã cấp 11.713 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.

(Còn nữa)

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.