“Điểm hẹn văn hóa” không gian sáng tạo Hà Nội

Hồi sinh những mảng màu cũ từ công trình kiến trúc hơn trăm năm tuổi như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm đã “khơi dòng” không gian sáng tạo trong mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Đầu máy hơi nước (Nhà máy xe lửa Gia Lâm) truyền cảm hứng trong bức tranh ký họa của các họa sĩ trẻ.	Ảnh: Khánh Huy
Đầu máy hơi nước (Nhà máy xe lửa Gia Lâm) truyền cảm hứng trong bức tranh ký họa của các họa sĩ trẻ. Ảnh: Khánh Huy

Từng là thiết kế mẫu tham dự cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” năm 2021, đến nay, mô hình chuyển đổi công trình Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành không gian sáng tạo mang tên “Quận đường tàu 4.0” đang dần được hiện thực hóa trong các hoạt động chính của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Công trình di sản công nghiệp Hà Nội được xây dựng năm 1905 sẽ được các nghệ sĩ, kiến trúc sư thiết kế, cải tạo thành các tổ hợp không gian sáng tạo mới.

Từ đầu máy hơi nước Tự Lực, từng được coi là biểu tượng của ngành đường sắt Việt Nam góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước sẽ được triển lãm trưng bày tại vườn Nhãn (quận Long Biên) trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Nhiều năm qua, hình ảnh chiếc đầu máy hơi nước Tự Lực rơi vào quên lãng, vùi lấp bởi cây cối và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng thì nay được hồi sinh trong triển lãm trưng bày tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Là địa điểm chính tổ chức Lễ hội, các phân xưởng trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng được cải tạo, thiết kế trở thành không gian Pavilion mới. Điểm nhấn là không gian kiến trúc Bến Chờ được cải tạo từ khu vực Cầu lăn chìm của nhà máy. “Bến chờ” đặt tại một đoạn đường ray trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm, lấy cảm hứng từ một nhà ga không chỉ là nơi trung chuyển, còn khơi gợi cảm xúc về những cuộc đợi chờ, từ nỗi buồn chia xa đến niềm vui khi gặp lại.

Cùng với nỗ lực biến di sản công nghiệp trở thành không gian sáng tạo mới, Tháp nước Hàng Đậu, công trình kiến trúc gần 130 tuổi tại Hà Nội cũng được cải tạo, lần đầu tiên mở cửa đón du khách tham quan, trải nghiệm.

Dịp này, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chuyến tàu “Hành trình di sản”, được khởi hành từ ga Hà Nội đến ga Long Biên, đi qua cây cầu Long Biên lịch sử, kết thúc ga Gia Lâm. Sau đó, du khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm tham gia các hoạt động sáng tạo.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội chính thức khởi động từ ngày 17/11, hiện các hạng mục thiết kế đang trong quá trình gấp rút hoàn thiện. Đây là sự kiện được người dân và du khách ngóng đợi, bởi dấu ấn lan tỏa về không gian sáng tạo phục vụ cộng đồng.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm từng là công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời thì nay với góc nhìn đổi mới, tìm ra những giá trị mới trong các không gian sáng tạo góp phần tạo cơ hội cho người dân Thủ đô tham gia kiến tạo thành phố của mình, giúp cho Hà Nội đáng sống hơn.

Qua đó, hiện thực hóa sáng kiến, cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), đưa Hà Nội trở thành trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Hà Nội đã tạo nên một không gian “Sáng tạo và công nghệ” ấn tượng
Hà Nội: Tái tạo đô thị từ những không gian sáng tạo

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.