Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. Ảnh: N.N |
- Việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng khối lượng lớn (TOD) mà Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang hướng tới có phải là một giải pháp khả thi? Ông bình luận ra sao về vấn đề này?
- Ông Lê Trung Hiếu: Phải khẳng định, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) 2023 chính là một cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới. Trong 9 nhóm chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thì đáng chú ý nhất phải kể đến là nhóm chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; cho phép thực các hình thức khác quy định hiện hành (PPP, BT, TOD); quản lý tài sản công và mô hình thử nghiệm có kiểm soát; phân quyền mạnh mẽ về quyết định đầu tư cho thành phố; các quy định thu hút nhà đầu tư chiến lược và các ưu đãi để thu hút nhà đầu tư.
Khái niệm về TOD (Transit- oriented development) ở Việt Nam có thể là mới nhưng chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển như: Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Anh,… Bản chất mô hình TOD được hiểu là lấy giao thông khối lượng lớn là định hướng phát triển đô thị.
Quá trình nghiên cứu, làm việc và thảo luận với các chuyên gia trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), gắn với các đặc điểm cụ thể của Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã đưa ra một định nghĩa về TOD mang bản sắc của Thủ đô đó là: “Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là một giải pháp tổng thể về phát triển đô thị làm cơ sở cho quy hoạch, tái thiết và phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông đường sắt đô thị (ĐSĐT) làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khoẻ cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa”.
Điều chúng ta thấy rõ là khi mở rộng một con đường, mở một tuyến đường sắt đô thị luôn phải “len lỏi” trong các khu đô thị đã được hình thành và như Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ví von giống như chúng ta “vãi một đám sỏi chứ không phải quy hoạch”.
Chúng ta tốn rất nhiều nguồn lực để mở một con đường. Đường Vành đai 1, Vành đai 2 trong vòng 25 năm qua vẫn chưa thể hình thành được. Trong khi chi phí giải phóng mặt bằng vô cùng lớn, Nhà nước không thu lại được lợi ích khi mở đường mà chỉ đạt được mục đích đó là “có con đường”.
Các hộ dân đang ở trong ngõ ngách được chuyển ra mặt đường thì họ được hưởng lợi ích từ việc mở đường. Khi giải phóng mặt bằng có nhiều khó khăn, và Hà Nội nhận thức được điều đó. Do vậy, khi sửa đổi Luật Thủ đô, Hà Nội kiên quyết đưa vào nội dung TOD, đặc biệt dành cho đường sắt đô thị. Đây được đánh giá là một nguồn lực rất quan trọng để nhà nước có thể thu hồi giá trị thặng dư từ đất và dùng chính nguồn này để đầu tư các công trình giao thông khối lượng lớn.
Minh họa quy hoạch khu vực TOD |
Đường sắt đô thị không chỉ là loại hình ưu việt, hiện đại, chủ lực cho giao thông công cộng mà còn có tiềm năng rất lớn mang lại nguồn lực về kinh tế, là một giải pháp khả thi tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới.
- Dự án TOD là một giải pháp có thể mang lại nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua việc khai thác quỹ đất ở các vùng phụ cận của tuyến đường sắt, không gian ngầm và không gian trên cao ở các nhà ga của tuyến đường. Giải pháp này được quy định cụ thể tại Điều 39 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ý kiến của ông xung quanh giải pháp này?
- Ông Lê Trung Hiếu: Theo Điều 39 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc huy động nguồn lực để phát triển ĐSĐT theo TOD. Với quy định này, TP Hà Nội có thể thu được đáng kế tiền từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng công trình ngầm, công trình trên cao trong khu vực TOD để tái đầu tư phát triển đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng của TP.
Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục đề xuất đưa thêm một số quy định vào luật để gia tăng giá trị thu hồi lại từ đất, cụ thể: HĐND TP Hà Nội phê duyệt đề án thu tiền sử dụng phần tăng thêm không gian ngầm và khoảng không trên cao đối với khu dân cư hiện hữu trong khu vực TOD trong trường hợp chủ công trình xin điều chỉnh chiều cao, chiều sâu xây dựng công trình tăng thêm so với chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã phê duyệt trước đó và được cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt điều chỉnh.
Đường sắt đô thị không chỉ là loại hình ưu việt, hiện đại, chủ lực cho giao thông công cộng mà còn có tiềm năng rất lớn mang lại nguồn lực về kinh tế. Ảnh: Khánh Huy |
Thêm vào đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho TP Hà Nội được chủ động lựa chọn phương thức đấu giá, đấu thầu thực hiện dự án TOD theo đặc điểm của từng dự án TOD cũng như phát huy được lợi thế của phương án đầu thầu (đặc biệt áp dụng đối với không gian ngầm và khoảng không trên cao) là quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không trên cao vẫn thuộc quyền sở hữu của cơ quan quản lý Nhà nước (cơ quan vận hành khai thác).
Giá trị sử dụng không gian ngầm và khoảng không gian trên cao có thể tăng lên theo thời gian khai thác, sau khi đơn vị trúng thầu hết thời hạn sử dụng, cơ quan quản lý Nhà nước có thể tổ chức đấu thầu lại với giá chào thầu cao hơn để đem lại hiệu quả lớn hơn về kinh tế, công nghệ. Thành phố Hà Nội đề xuất bổ sung quy định “đấu thầu quyền sử dụng công trình ngầm, công trình trên cao thuộc sở hữu nhà nước trong khu vực TOD”.
Đặc biệt, sẽ giúp chúng ta bảo vệ cảnh quan, nhất là trong 4 quận nội đô lịch sử. Như vậy chúng ta đạt được rất nhiều mục tiêu kép, vừa thu được nguồn lực, vừa đảm bảo công bằng xã hội, vừa tạo ra giá trị thặng dư, vừa bảo vệ cảnh quan.
(Còn nữa)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Luật Thủ đô (sửa đổi) có tầm quan trọng đặc biệt | |
Tăng quyền, xây dựng cơ chế chính sách vượt trội cho Thủ đô Hà Nội |
Nhật Nam (thực hiện)
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-1-sua-luat-thu-do-la-co-hoi-lon-tao-loi-the-de-ha-noi-phat-trien-359842.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.