Bình yên một thoáng Tây Hồ

Có nhiều khi chúng ta cứ loay hoay kiếm tìm bình yên ở một nơi xa, như muốn bỏ lại những vất vả nhọc nhằn, được mất của ngày hôm qua... Nhưng riêng tôi, lại tự tìm cho mình những bình yên ngay trong lòng Hà Nội...
Ngắm nhìn từ xa đã thấy biểu tượng Công viên nước Hồ Tây 	 Ảnh: Khánh Huy
Ngắm nhìn từ xa đã thấy biểu tượng Công viên nước Hồ Tây. Ảnh: Khánh Huy

Ngày làm việc cuối tuần, đang loay hoay cố hoàn thành những gì còn dang dở thì tôi nhận được tin nhắn của bạn thân: Mình mệt rồi muốn đi đâu đó thật xa khỏi thành phố, hay mình đi du lịch đi. “Đi đâu”, tôi hỏi lại bạn. Mình nhớ Đà Lạt, nhớ những mùa hoa, nhớ tiết trời đem đến cảm giác se lạnh rất đặc trưng. Thèm quá một chuyến chơi xa, đã lâu rồi mình chưa đi đâu, thực sự mệt mỏi, tù túng trong những vội vàng cuồng quay của cuộc sống và công việc những ngày này...

Tôi thả ha ha... với những tin nhắn dài của bạn, đợi nàng ta nhắn hết nhịp cảm xúc mới trả lời. Mình cũng muốn và thèm, thích cảm giác cho một chuyến đi xa, nhưng dạo này bận quá, sức khỏe cũng không tốt, bọn trẻ lại đang dịp thi và chưa có kinh phí cho “cuộc rong chơi quên ngày tháng” nên không thể đi được.

“Mình bao mà”, cô bạn không suy nghĩ trả lời. Tôi thả mặt cười rồi nhắn lại: miễn phí thì thích quá rồi nhưng nhận mãi, sợ bản thân sẽ trở thành hàng hết date mất, nên thôi để dịp khác đi.

Bất chợt tôi nhớ ra và hỏi bạn: Hay cuối tuần mình qua Thung lũng Hoa Hồng cà phê đi, chill lắm nha và làm một vòng đạp xe quanh Hồ Tây thì có khác gì đang dạo bước quanh Hồ Xuân Hương tại Đà Lạt đâu. Tạm thời mình hãy “hưởng thụ” đất trời cỏ cây của Tây Hồ theo cách này đi nhé.

Cô bạn cũng thích thú đồng ý. Nghĩ là làm, cuối tuần chúng tôi hẹn nhau đi từ sớm để đạp xe ngắm minh minh Hồ Tây, cùng nhau nhâm nhi cốc cà phê trứng, thưởng thức bánh tôm Tây Hồ... Thả hồn mình theo những làn gió mát, cảm như lúc đó được sống chan hòa cùng nắng thu hanh vàng, được cả không gian đất trời mặt nước ôm ấp vào lòng. Lũ trẻ reo vui theo mỗi đợt gió lùa, chỉ trỏ, bàn tán về mọi thứ xung quanh theo cách cảm nhận riêng của chúng.

Bỏ lại những vội vã xô bồ, bỏ qua những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt, mọi lo toan, ưu phiền, mệt mỏi dần được thay bởi cảm xúc tươi vui ngập tràn sức sống bởi tiếng cười đùa giòn tan của lũ trẻ và chạm dừng chân cuối cùng là cả nhóm vào Thung lũng Hoa Hồng, ngả lưng trong những lều trại xinh xắn, hay chọn một gốc sườn dốc quang hồ, cuộn mình trong những chiếc túi lười, thả lỏng cơ thể nằm ngắm mây bay ngang trời và cảm nhận gió vẫn dịu dàng nhẹ hôn mái tóc thơm...

Còn tụi trẻ luôn thừa năng lượng và ưa hoạt động nên chọn cho mình những góc chơi vận động hay chạy nhảy quanh bãi cát, hoặc hòa mình vào cỏ cây, hóa lá nơi đây. Thung lũng Hoa hồng đẹp như một Đà Lạt thu nhỏ giữa lòng Hà Nội, từng nhóm từng nhóm thả lưng ngắm mây trời bay ngang.

Đêm dần muộn, cái lạnh hòa trong hơi sương nhắc chúng tôi đã đến giờ về nhưng lũ trẻ vẫn dùng dằng, quẩn quanh không lỡ rời đi. Dù khá mệt sau ngày tham gia trải nghiệm, nhưng cảm xúc là thứ chúng tôi nhận được, nó khiến tôi cảm thấy cân bằng lại cuộc sống, khi được hòa mình vào thiên nhiên nơi đây.

Nếu chẳng thể đi thật xa, bạn có thể ra khỏi nhà, tự tìm cho mình một góc bình yên quen thuộc, sống chậm lại để tìm về những xúc cảm tưởng đã qua, để thấy rằng mỗi nơi ở Hà Nội lại chứa đựng những sắc màu thi vị khác nhau. Đôi khi chẳng đâu bằng chính nơi này, vừa thân thuộc, dịu dàng, lại thân quen, gần gụi mà vẫn mới lạ, khiến ta luôn muốn khám phá.

Một ngày lang thang quanh Hồ Tây, nếm đủ các thức quà của Hà Nội... cuộn mình, thả lưng trong các túi lười với đủ màu sắc tươi vui, thật khoan khoái. Giữa đất trời Hà Nội, giữa thiên nhiên trong lành, giữa tiết trời đặc trưng. Hà Nội đi qua 12 mùa hoa, 4 mùa của thiên nhiên đất trời và một mùa bình yên trong trái tim của mỗi người. Với tôi dạo quanh Tây Hồ cũng là cách để tìm về chút dịu dàng, bình yên, tha thiết ấy!

Tây Hồ: “Đánh thức” nguồn lực và lợi thế của hồ Tây…
Hà Nội: Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu đô thị Tây Hồ Tây

Thùy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.