Thanh toán không dùng tiền mặt:

Tạo động lực phát triển dịch vụ thanh toán số thông minh

Từ sau đại dịch Covid - 19, nhiều người dân ở Hà Nội đi chợ, đi mua sắm đã không dùng tiền mặt. Thay vào đó, họ thanh toán bằng QR Code hoặc chuyển khoản ngân hàng, điều này đã góp phần tạo động lực phát triển các dịch vụ thanh toán số thông minh...
Chị Phạm Thị Thuần: Từ khi có thanh toán QR Code hoặc chuyển khoản ngân hàng tiện lợi hơn rất nhiều	 (Ảnh chụp tại chợ Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) Ảnh: Hải Anh
Chị Phạm Thị Thuần: Từ khi có thanh toán QR Code hoặc chuyển khoản ngân hàng tiện lợi hơn rất nhiều. (Ảnh chụp tại chợ Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) Ảnh: Hải Anh

Tạo chợ văn minh, hiện đại

Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt dần trở nên phổ biến với nhiều tầng lớp Nhân dân trong xã hội, từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động tự do; từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ TP đến nông thôn. Việc triển khai không dùng tiền mặt ở các chợ có ý nghĩa quan trọng, là điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn được trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại. Qua đó, giúp người dân dần tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xây dựng xã hội số.

Chị Phạm Thị Thuần, một tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ: mỗi ngày nhà tôi bán hơn 10 con lợn, thu hàng chục triệu đồng. Từ khi có thanh toán QR Code hoặc chuyển khoản ngân hàng tiện lợi hơn rất nhiều. Mọi khi, sau mỗi ngày bán hàng lại mất thời gian đếm tiền, xếp tiền, kiểm tra tiền, từ khi có ngân hàng hỗ trợ thanh toán không tiền mặt tôi yên tâm không lo tiền giả, không lo trả nhầm tiền.

Chợ Vĩnh Quỳnh chia làm 2 khu có khoảng gần 500 gian hàng và các chỗ ngồi của tiểu thương nhỏ lẻ. Từ năm 2022 đến nay các tiểu thương đều được gắn biển, tên chủ kiot, số điện thoại, số tài khoản, mã QR Code. Việc gắn thẻ trên các gian hàng giúp việc bán hàng đi vào quy củ, văn minh hiện đại hơn. Các tiểu thương đều thấy bản thân có trách nhiệm với gian hàng và mặt hàng của mình không để khách hàng phản ánh.

Chị Hà Thị Xuân, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội là người dân đi chợ chia sẻ: Lúc đầu tôi nghĩ hàng rau nhỏ sẽ không có mã QR Code để tôi quét, nhưng ở đây kể cả người bán rau cũng có mã QR code để khách hàng chuyển khoản. Tôi thấy rất tiện và văn minh, không phải đếm tiền rồi đợi trả lại, thậm chí dưới 10 nghìn đồng cũng chuyển khoản. Từ ngày chợ ở đây có cách thanh toán không cần tiền mặt tôi rất yên tâm không lo mỗi khi đi chợ lại phải nghĩ trong túi còn tiền mặt hay lại phải ra cây ATM rút tiền xong quay về đi chợ. Mong sao hình thức này được mở rộng trên toàn quốc để thuận lợi, an toàn cho người dân khi thanh toán tiền để mua hàng.

Đại diện Ban quản lý chợ Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: sau đại dịch Covid- 19, chợ Vĩnh Quỳnh có quy hoạch lại, tháo bỏ hết các lán tạm đảm bảm đường cho việc phòng chống cháy nổ. Sau đó sắp xếp lại gian hàng, khu vực bán hàng và cho các tiểu thương đủ điều kiện được vào tham gia gian hàng trong khu vực chợ.

Khi đó cũng là lúc thuận lợi để triển khai công nghệ mới và yêu cầu các tiều thương học cách thanh toán, chuyển khoản bằng mã QR Code, gắn thẻ cửa hàng, kiot. Nên từ khi triển khai các tiểu thương đi vào nền nếp, hàng quán sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các hàng ăn, hàng tươi sống, thực phẩm...

Còn các gian hàng đồ khác không có điều tiếng gì về việc tranh cãi, mâu thuẫn giữa khách và người bán hàng. Trước đây còn có tình trạng trả nhầm tiền dẫn đến mâu thuẫn cãi nhau, nhưng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi cách tư duy theo lối cũ người dân khu vực và đem đến môi trường chợ văn minh, hiện đại ở một vùng ven đô.

Hỗ trợ cho ngành thuế

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo ra hành lang pháp lí để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước đang kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực làm sạch dữ liệu.

Ông Kelvin Tanu Utomo,Trưởng bộ phận Sản phẩm và Giải pháp, Visa Việt Nam và Lào đã từng đánh giá hạ tầng thanh toán không tiền mặt ở nước ta: hiện nay, tại Việt Nam, cứ 10 giao dịch thanh toán trong cửa hàng thì có gần 5 giao dịch không tiếp xúc.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng hỗ trợ cho ngành thuế. Ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế cho biết: đến nay, toàn bộ 96 ngân hàng thương mại trong hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã gửi dữ liệu tài khoản thanh toán lần đầu và định kì đến Tổng cục Thuế.

Và ngành thuế đã cấp được gần 400.000 tài khoản thuế điện tử. Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin phục vụ đăng kí tài khoản điện tử cho người nộp thuế cá nhân. Trong đó, việc chia sẻ dữ liệu với Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh bằng việc sửa đổi, bổ sung cơ chế đảm bảo thực hiện giám sát của cơ quan thuế đối với các giao dịch ngân hàng (bao gồm cả giao dịch xuyên biên giới), kết nối, chia sẻ các giao dịch của tổ chức, cá nhân trong thương mại điện tử (bao gồm cả thẻ tín dụng).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Lễ phát động thanh toán không dùng tiền mặt: Mục tiêu hướng tới là người dân, DN dù ở bất kỳ đâu, đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời. TP Hà Nội yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế số, chính quyền số nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng...
Hà Nội triển khai thí điểm tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt
Hà Nội: Phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm
Toàn cảnh ngày hội công nghệ không tiền mặt - Sóng Festival 2023

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.