Vấn đề thời hạn sở hữu chung cư tiếp tục “nóng”

Thời hạn sử dụng nhà chung cư là một vấn đề rất được quan tâm hiện nay, đặc biệt là những chủ thể đang có nhu cầu sở hữu nhà ở. Đa phần người dân khi mua nhà chung cư đều mong muốn được sở hữu, sử dụng vĩnh viễn chứ không muốn bị giới hạn về mặt thời hạn sử dụng.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai hiện nay xác định đất ở là đất sử dụng ổn định lâu dài, vì thế đất của các chủ sở hữu căn hộ chung cư là đất ở, không có thời hạn sử dụng.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai hiện nay xác định đất ở là đất sử dụng ổn định lâu dài, vì thế đất của các chủ sở hữu căn hộ chung cư là đất ở, không có thời hạn sử dụng. Ảnh: Minh Đạt

Cần phân biệt giữa thời hạn sử dụng và thời hạn sở hữu

Mới đây, tại phiên thảo luận ở nghị trường Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), vấn đề thời hạn sở hữu chung cư tiếp tục làm nóng nghị trường.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), cần phân biệt giữa thời hạn sử dụng và thời hạn sở hữu. Đối với trường hợp mà đất giao sở hữu không xác định thời hạn thì thời gian sử dụng nhà chung cư vẫn phải có thời hạn theo tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với nhà chung cư.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cũng cho rằng, dự thảo Luật đã phân biệt rất rõ về thời hạn sử dụng và vấn đề sở hữu. Việc sử dụng đã được quy định tại Điều 99 Luật hiện hành và Điều 58 dự thảo Luật. Dự thảo đã quy định hoàn thiện, đầy đủ hơn, thời hạn sở dụng liên quan đến chuẩn kỹ thuật và an toàn trong sử dụng nhà chung cư. Dự thảo quy định bổ sung nhằm đảm bảo trong mọi trường hợp sử dụng an toàn, đảm bảo yêu cầu về sử dụng...

Đồng thời, đã bổ sung quy định công bố về thời hạn sử dụng nhà chung cư khi hết hạn. Nội dung này được phân biệt rất rõ với quyền sở hữu, quyền tài sản. Trong quy định hiện hành cũng như trong dự thảo Luật, đối với nhà chung cư nói riêng và nhà ở nói chung thì không có quy định về thời hạn sở hữu. Quyền sở hữu được chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Đưa ra quy định cụ thể

Tiếp thu, giải trình ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 bỏ quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, và đưa ra quy định về thời hạn sử dụng, trách nhiệm các chủ thể khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại loại nhà ở này.

Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần quy định chung cư phải có thời hạn sở hữu gắn với thời hạn sử dụng công trình do kết cấu vật liệu không thể vĩnh cửu. Khi dự thảo không quy định rõ thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ dẫn đến thực tế sửa chữa nhà chung cư cũ thấp tầng gặp khó khăn nhiều năm qua do không thống nhất được ý kiến của người dân.

Ông Tạ Văn Hạ lo lắng tới đây việc cải tạo, xây lại nhà chung cư cao tầng cũng gặp vấn đề tương tự. Vì thế, cần quy định rõ ràng chung cư phải có thời hạn 50, 70 hay 90 năm để người dân khi mua được biết. Khi nhà chung cư hết thời hạn, đất đó được chủ đầu tư thu hồi, xây lại cái mới.

Ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, nếu không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, trong tương lai tất cả loại hình này sẽ không có cách nào xử lý. Chưa kể, giá bán căn hộ tại chung cư có thời hạn thấp hơn nếu được quảng bá là vô thời hạn. Phần tiền chênh lệch này, theo ông Cường, người mua nhà không được hưởng, mà các nhà đầu tư phát triển dự án được hưởng lợi.

Vì thế, ông Hoàng Văn Cường kiến nghị sửa quy định này theo hướng, chung cư phải có thời hạn theo tuổi thọ công trình và Nhà nước cho thuê trả tiền một lần theo thời hạn tuổi thọ công trình. Nếu cho thuê trả tiền một lần, chi phí đầu tư phát triển nhà chung cư sẽ thấp đi, khi hết thời hạn có thể kéo dài thời hạn cho thuê lại. Như vậy, quyền lợi của các chủ thể tham gia sẽ được đảm bảo, không xảy ra tình trạng hết thời hạn rồi, quyền sở hữu đất vẫn còn mà không có cách nào xử lý.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, cần phân biệt rõ thời hạn sử dụng và sở hữu nhà chung cư. Ông Tùng giải thích, thời hạn sử dụng nhà chung cư được quy định rất rõ và dự thảo luật quy định thời hạn này phải được xác định khi lập đồ án thiết kế nhà chung cư. Đồng thời, dự thảo luật cũng đã có quy định về kiểm định chất lượng để trên cơ sở kết luận kiểm định sẽ có đánh giá cho ở hay là cần phải phá dỡ để xây dựng lại

Thời hạn thực tế sử dụng chung cư còn phụ thuộc các yếu tố khác, như tự nhiên, hỏa hoạn hoặc hết thời hạn sử dụng về kỹ thuật, nhưng vẫn còn giá trị sử dụng nên không đặt vấn đề phá dỡ, sẽ lãng phí. Do đó, dự thảo luật quy định về kiểm định chất lượng tòa nhà, từ đó sẽ đưa ra đánh giá phá dỡ hay tiếp tục sử dụng. Chừng nào tòa nhà sau kiểm định cho thấy còn an toàn, sử dụng tốt, quyền sở hữu của chủ nhà vẫn được đảm bảo. Chúng ta không nên gắn thời hạn sở hữu nhà chung cư với thời hạn sử dụng đất. Luật Đất đai hiện nay xác định đất ở là đất sử dụng ổn định lâu dài, vì thế đất của các chủ sở hữu căn hộ chung cư là đất ở, không có thời hạn sử dụng.

Tại các dự thảo Luật Nhà ở trước đây, Chính phủ từng đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn, nhưng sau đó bỏ quy định này khi trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 6/2023 do còn nhiều ý kiến trái chiều.
Bộ Xây dựng sẽ thanh tra toàn diện chung cư mini
Không nên gắn giữa thời hạn sở hữu nhà chung cư với thời hạn sử dụng đất

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.