Sông Hồng hát - Niềm vui trọn vẹn

Nhà văn Lê Minh ghi dấu trong lòng bạn đọc với danh xưng “Người viết tản văn như tình ca”. Anh vừa ra mắt cuốn sách "Sông Hồng hát" với 32 tác phẩm tản văn. Với lối hành văn nhẹ nhàng, sâu sắc như chính con người anh, mỗi bài tản văn ẩn chứa một thông điệp thú vị gửi tới bạn đọc. Nhà văn Lê Minh đã dành cho đọc giả của Ấn phẩm Pháp luật & Xã hội những trải lòng về tác phẩm văn học "Sông Hồng hát".
Nhà văn Lê Minh và tác phẩm “Sông Hồng hát” ẢNH: NVCC
Nhà văn Lê Minh và tác phẩm “Sông Hồng hát”. Ảnh: NVCC

Thưa anh, cuốn sách "Sông Hồng hát" gồm 32 tác phẩm tản văn với những màu sắc riêng. Tại sao anh chọn tác phẩm “Sông Hồng hát” làm tiêu đề của cuốn sách?

Lê Minh viết “Sông Hồng hát” cách đây đã được hơn 2 năm và hoàn thành đúng ngày sinh nhật của Lê Minh vào tháng 5. Phải nói rằng “Sông Hồng hát” ngốn khá nhiều thời gian, phần đặt tiêu đề và phần kết cho tác phẩm cũng vậy. Nhưng “Sông Hồng hát” chính là tác phẩm Lê Minh tâm đắc và là niềm vui trọn vẹn, ý nghĩa nhất đối với tôi.

Ngay sau khi xuất hiện trên văn đàn, tác phẩm “Sông Hồng hát” được chọn làm đề thi, được sử dụng làm Ngữ liệu giảng dạy và in thành tài liệu tham khảo giảng dạy cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng, các trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn SaigonTourist, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh vào tháng 5 năm 2022.

Không những thế, “Sông Hồng hát” còn được đăng tải trên Thời báo Văn học Nghệ thuật. Thêm một lần nữa, “Sông Hồng hát” được đăng trong mục “Lăng kính văn hóa” với ý nghĩa trở thành một bài khảo cứu văn hóa có chiều sâu, khi “Sông Hồng hát” luôn được ngân vang khúc ca yêu thương quê hương.

Và thật vui mừng khi Lê Minh nhận được lời nhận xét của PGS. TS Văn học Trần Thị Trâm: “Tản văn “Sông Hồng hát” đã bước ra khỏi văn chương, mang những giá trị về văn hóa, lịch sử, địa lý hòa quyện với chất văn tự sự đi vào thế giới học thuật”. Chính vì vậy mà Lê Minh chọn tiêu đề chung cho cuốn tuyển tập tản văn “Sông Hồng hát” mới xuất bản của mình.

Được biết, anh là một người khá bận rộn, vậy anh thường lấy cảm xúc từ đâu và sắp xếp thời gian dành cho văn chương ra sao?

Có lẽ, tôi cũng giống như một số cây viết khi phải xa quê hương, cứ đau đáu niềm riêng trong nỗi nhớ nhà. Lê Minh xa Hà Nội đã hơn 30 năm, ngần ấy thời gian càng làm nỗi nhớ và tình yêu đối với Hà Nội ngày một thêm dài, ngày một thêm rộng, dường như là theo năm cùng tháng...

Tôi nghĩ, cho dù là ai, cho dù làm gì, cho dù ở đâu thì trái tim vẫn luôn hướng về quê hương, nơi tuổi thơ, nơi dòng sữa mẹ nuôi ta khôn lớn, nơi dòng máu nóng luôn chảy về tim. Lê Minh dành thời gian cho văn chương, cho những tác phẩm của mình bất cứ khi nào có thể, mọi nơi mọi lúc dù là ít ỏi. Có những lúc đang lái xe hay đi đâu, có cảm xúc tôi thường thu âm lại, tối về bật nghe để viết ra.

Đôi khi, trong nhịp sống đầy áp lực, bạn đọc dường như cảm thấy tâm hồn lắng lại khi đọc các tác phẩm tản văn của anh: “Hạ nghiêng mình vào thu... Thu nhẹ nhàng nhón gót ghẹo heo may tím chiều vỡ lịm, ngọt ướt môi mềm... Heo may khe khẽ ngân rung rồi lặng im. Thu phảng phất ưu tư, nhủ lòng đếm lá vàng rơi. Nắng cuống cuồng lại trút giận lên heo may để hồn ai lạc bước. Thương lá, cây xào xạc níu mùa, heo may về ấm ức, khiến nắng vàng chẳng phải bỏ đi...”. Theo anh, tản văn có thể chữa lành tâm hồn được không?

Có nhiều thầy cô khi sử dụng tác phẩm của Lê Minh làm Ngữ liệu giảng dạy đã nói: “Ông được biết đến là người giàu tình cảm, có lòng trắc ẩn. Và thường được độc giả gọi với danh xưng người viết tình ca bằng tản văn. Phong cách viết văn của người con đất Hà thành này mang đậm sự bình yên và ấm áp. Tác phẩm của ông viết với mục đích chữa lành tâm hồn của mọi đọc giả và chính bản thân mình”.

Lê Minh mong rằng, mỗi tác phẩm trong cuốn tuyển tập tản văn “Sông Hồng hát” giống như những bông hoa xinh xắn lan tỏa những thông điệp yêu thương về cuộc sống tới độc giả.

Nhiều vùng đất, địa danh khác nhau được dệt nên đầy chất thơ, chất tình trong tản văn của anh như: “Tình ca Tây Bắc”, “Những màu xuân Sa Pa”, “Bình minh mùa vàng Mù Cang Chải”... Nhưng tôi nhận thấy, anh luôn dành một tình cảm sâu sắc, đặc biệt cho Hà Nội. Xin anh chia sẻ cho bạn đọc được biết lý do?

Lê Minh rất yêu thương quê hương mình, và luôn phải lòng với những vùng đất mỗi khi có dịp đặt chân đến, muốn được viết gửi gắm thương yêu lòng mình. Nhưng, tôi luôn dành tình cảm đặc biệt cho Hà Nội bởi: “Trong giấc mơ nơi xa xứ của con, đàn cò trắng trong hồn vẫn bay trên sóng nước. Phố nằm sau lưng, nơi sông Hồng cát trắng, lau đã khô trong mùa nước cạn. Nhưng cánh chim vẫn yêu mây trời tha thiết. Bồi hồi con nhớ lúc nắng lên chiều, mải rơi trên sóng nước trập trùng, con nước lớn phù sa rộng mênh mông ngầu đục. Con muốn trở về bên mẹ với ngày xưa thơ bé, để được nghe sông Hồng hát hòa vào lời ru của mẹ. Con muốn trở về nơi quê mẹ sông Hồng, nơi nguồn cội luôn đợi chờ... Còn hơi thở, con sẽ về với sông xưa... Nơi sông Hồng với những mùa hè vời vợi tuổi thơ, với phượng nở đôi bờ cùng tiếng ve râm ran hát. Về với năm tháng bâng khuâng, về với nồng nàn Hà Nội... (trích trong tác phẩm “Sông Hồng hát”).

Tác phẩm “Sông Hồng hát”. Ảnh: NVCC
Tác phẩm “Sông Hồng hát”. Ảnh: NVCC

Rất nhiều bạn đọc đã chia sẻ, lan tỏa đoạn tản văn viết về tri kỷ của anh: “Tôi xòe tay ra và nghĩ… Tri kỷ trên đời này giống như một hạt nước được thả từ trên trời mà khi ta giơ tay ra hứng nếu như hạt nước ấy nằm trọn vẹn trong lòng tay ta, hiểu ta như bản thân ta, chấp nhận cả cái xấu của ta, bao dung, thấu hiểu, chia sẻ với ta thì đó chính là lúc đã khắc tạc vào lòng nhau rồi… Tình tri kỷ!". Vậy Vy Anh xin hỏi, trong cuộc đời, anh đã gặp được tri kỷ chưa?

Phải là người rất may mắn trong cuộc sống mới có thể gặp được tri kỷ. Cảm ơn cuộc đời đã cho Lê Minh gặp được tri kỷ của đời mình. Người ấy vừa là vợ, vừa là người tri kỷ của Lê Minh. Bởi tri kỷ là điểm tựa, là tinh thần, là chất xúc tác làm mềm, là chất hàn gắn tốt nhất để tiếp thêm năng lượng. Tri kỷ chính là ta thứ hai.

Thưa anh, được biết, các tác phẩm tản văn của anh đã được đăng trên nhiều báo, tạp chí, trong đó có những bài được chọn làm ngữ liệu giảng dạy. Vậy trong tương lai, anh có dự định gì cho tình yêu văn chương của mình?

Lê Minh thường nghĩ, nếu âm nhạc là giai điệu cuộc đời thì văn chương chính là lời hát. Và tôi luôn tâm niệm một điều, khi con người ta làm được những việc ý nghĩa cho đời, cho người chính là lúc tâm hồn mình đang hát. Lê Minh còn sống thì còn viết, còn đam mê yêu thương văn chương. Lê Minh mong muốn có thêm nhiều tác phẩm hơn nữa được nhà trường và thầy cô sử dụng làm ngữ liệu giảng dạy, làm đề thi cho các em học sinh, bởi tác phẩm có cơ hội đồng hành với thế hệ trẻ, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người cầm bút.

Lê Minh muốn nói một câu thay cho lời kết cuộc phỏng vấn về cuốn tuyển tập tản văn "Sông Hồng hát" của mình: “…Trời cao luôn bận xanh trong, sông Hồng khôn nguôi mãi chảy, ngân vang khúc hát yêu thương quê hương mình, ngân mãi như lòng mẹ yêu con…” (trích trong “Sông Hồng hát”)

Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn, chúc anh sẽ mãi giữ mạch nguồn với con chữ, lan tỏa tình yêu văn chương đến với nhiều thế hệ bạn đọc.

Vy Anh (thực hiện)

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.