Tội danh người mẫu Ngọc Trinh đối diện?

Trường hợp Ngọc Trinh bị kết tội, thì hình phạt dành cho người mẫu này sẽ như thế nào?
Ngọc Trinh bị bắt, nghe đọc lệnh khởi tố tại cơ quan điều tra.	 Ảnh: Công an cung cấp
Ngọc Trinh bị bắt, nghe đọc lệnh khởi tố tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Tội danh này có gì đặc biệt?

Ngày 19/10, Cơ quan CSĐT CATP Hồ Chí Minh (PC01) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Gây rối trật tự công cộng", "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"; ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (SN 1989, trú tại quận 7) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

CATP Hồ Chí Minh cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, bắt tạm giam Trần Xuân Đông (người dạy lái mô tô) về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và "Gây rối trật tự công cộng". Trần Xuân Đông có hành vi mua xe mô tô phân khối lớn có giấy tờ giả để sử dụng.

Hành vi phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 là hành vi xâm phạm đến trật tự an ninh xã hội, cuộc sống sinh hoạt ổn định của cộng đồng, nguyên tắc an toàn nơi công cộng và sự ổn định trong thực hiện những đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong quá trình ổn định đời sống của người dân.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, ngày 6/10, Trần Thị Ngọc Trinh dù không có giấy phép lái xe hạng A2 nhưng đã cùng Đông chạy xe BMW, dung tích xi lanh 999 cm3, biểu diễn trên đoạn đường D15 Khu Công nghệ cao (thuộc phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe.

Trước đó, đầu tháng 9, hai người này cũng điều khiển môtô hiệu "Ninja" lưu thông ở Khu đô thị Thủ Thiêm, thực hiện các động tác như: đứng 2 chân một bên xe, thả 2 tay để xe tự chạy, ngồi một bên yên xe để tự chạy...

Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi xâm phạm đến trật tự an ninh xã hội, cuộc sống sinh hoạt ổn định của cộng đồng, xâm phạm đến nguyên tắc an toàn nơi công cộng tại nơi có nhiều người qua lại, đồng thời xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của những người xung quanh... Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật và từng trường hợp cụ thể mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo chế tài hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Thái cho biết, với thông tin diễn biến ban đầu thì có thể Ngọc Trinh bị khởi tố theo khoản 1, Điều 318 BLHS với khung hình phạt là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Theo luật sư Thái, đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng theo quy định tại Điều 9, BLHS. Trong trường hợp bị kết tội về tội danh này thì hình phạt cao nhất đến 2 năm tù, trừ trường hợp bị can, bị cáo còn phạm tội khác (nếu có).

Trường hợp Ngọc Trinh bị điều tra theo khoản 2, Điều 318 BLHS (hình phạt trên 2 năm tù) và có căn cứ cho thấy nếu không bắt giam thì bị can có thể bỏ trốn hoặc cản trở hoạt động điều tra thì CQĐT mới tiến hành bắt giam để điều tra theo quy định pháp luật. “Với đánh giá những tác động tiêu cực từ hành vi vi phạm giao thông đường bộ đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội nên cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết liệt xử lý, xác định hành vi của Ngọc Trinh là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với nữ diễn viên, người mẫu này” - luật sư Thái nêu.

Lợi dụng mạng xã hội để chia sẻ...

Ngoài ra, theo luật sư Thái, việc đăng tải, phát tán thông tin dưới dạng video chứa nội dung phản cảm, vi phạm pháp luật như hành động lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe… gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ.

Hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Điều đáng chú ý trong vụ án này, là CQĐT khởi tố Trần Thị Ngọc Trinh về tội gây rối trật tự công cộng mà lại áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can điều tra. Thông thường đối với các tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng mặc nhiên sẽ không tạm giam, chỉ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú sau khi khởi tố bị can. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giam với các bị can bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng nếu như bị can không có nơi cư trú rõ ràng, có dấu hiệu bỏ trốn, cản trở hoạt động điều tra...

Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo trong những trường hợp sau: Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 2 năm và trong trường hợp có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cần trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc là người già yếu, người đang bệnh nặng, có nơi cư trú rõ ràng thì không bị tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt như phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và có căn cứ cho rằng nếu không tạm giam, người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội thì mới tạm giam họ.

Như vậy, trường hợp Trần Thị Ngọc Trinh bị điều tra theo khoản 2, Điều 318 BLHS năm 2015 và có căn cứ cho thấy nếu không tạm giam, bị can có thể bỏ trốn hoặc cản trở hoạt động điều tra thì CQĐT mới tiến hành tạm giam để điều tra theo quy định pháp luật.

Luật sư Thái cũng cho biết, nếu không đồng ý với quyết định tạm giam, Ngọc Trinh có quyền khiếu nại đối với quyết định này. CQĐT cũng sẽ giải thích và làm rõ Ngọc Trinh đã bị khởi tố theo khoản nào của điều luật, thuộc tội ít nghiêm trọng hay tội nghiêm trọng và căn cứ để tạm giam trong trường hợp này. Nếu giải thích không thỏa đáng, không đồng ý với quyết định tạm giam thì bị can có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

"Với người nổi tiếng, được coi là người của công chúng nếu hành vi của họ không phù hợp với chuẩn mực sẽ gây ra những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội, tạo ra những quan điểm sống, lối sống lệch lạc, ảnh hưởng đến nhận thức và hình thành nhân cách của giới trẻ. Vụ án này có lẽ sẽ là bài học cho các nghệ sĩ trong việc thực hiện các hoạt động nghệ thuật, thể thao, giải trí và đưa các thông tin lên không gian mạng" - luật sư Thái chia sẻ.
Khởi tố, bắt tạm giam "người mẫu nội y" Ngọc Trinh
Vì sao nhiều người bất ngờ khi Ngọc Trinh bị khởi tố và bắt tạm giam?

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.