6 tháng đầu năm 2024: Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, Bộ Tài chính nhìn nhận việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân là cần thiết.
Chính sách giảm thuế GTGT góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh	Ảnh: Nguyễn Đăng
Chính sách giảm thuế GTGT góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Đăng

Hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 11239/BTC-CST ngày 13/10/2023 gửi các Bộ, ngành liên quan để xin ý kiến về việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT 2% như hiện nay để áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn.

Việc thực hiện giảm thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% đã được thực hiện ổn định trong năm 2022 và năm 2023. Do vậy, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giảm thuế GTGT như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15.

Nội dung chính sách, giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian giảm thuế sẽ được tính từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế GTGT sau thời điểm 30/6/2024 nếu tình hình kinh tế và DN, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Đánh giá tác động đến thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 06 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng, trong đó, giảm thu khâu nội địa là 2.700 tỷ đồng: giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).

Thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước

Theo Bộ Tài chính, cần thiết tiếp tục ban hành chính sách giảm thuế GTGT vì sau thời gian dài chống chịu với đại dịch Covid-19, DN trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn (số DN ra khỏi thị trường hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 19,9% so với 9 tháng đầu năm 2022); tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu giảm 13.8%, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75.5% dự toán năm.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.

Khi hoạt động xuất khẩu giảm sút thì việc tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước sẽ là biện pháp quan trọng giúp tiêu thụ hàng hóa cho các DN sản xuất và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Trong giai đoạn 2020-2023, các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế ở mức lớn chưa từng có. Từ năm 2020 đến nay tổng trị giá của các giải pháp miễn giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực, ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,56%, năm 2022 tăng 8,02% và 9 tháng của năm 2023 tăng 4,24%.

Theo Bộ Tài chính, ước tính sau 3 tháng thực hiện (từ tháng 7/2023 – 9/2023), chính sách giảm 2% thuế GTGT đã hỗ trợ cho DN và người dân tổng cộng khoảng 11.700 tỷ đồng. Qua đó góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không được giảm thuế giá trị gia tăng
Quy định giảm thuế giá trị gia tăng
Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.