Cần lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch

Các thống kê cho thấy, Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng tương đối đa dạng. Tuy vậy, nước ta vẫn còn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp. Bên cạnh đó, đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Chúng ta cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai.
PGS.TS Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai thì cần có những giải pháp mang tính đột phá. Ảnh: Ngô Sơn
PGS.TS Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai thì cần có những giải pháp mang tính đột phá. Ảnh: Ngô Sơn

Phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đó là xu hướng tất yếu

Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng trên quy mô toàn cầu. Đặc biệt, đây lại đang là thời điểm nền kinh tế các quốc gia trên thế giới cố gắng khắc phục hàng loạt khó khăn để phục hồi sau những “cú sốc” từ đại dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, khủng hoảng năng lượng toàn cầu gây ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam, dù quá trình chuyển dịch năng lượng của nước ta đã, đang đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Được sự đồng ý của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình Diễn đàn: Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam.

Trao đổi tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai thì cần có những giải pháp mang tính đột phá. Trong phát triển kinh tế - xã hội, nước ta có 2 vấn đề quan trọng cần đảm bảo, một là an ninh năng lượng, hai là an ninh lương thực. Trước đây, chúng ta đã có một quyết định quan trọng đó là chuyển giá gạo sang cơ chế thị trường, quyết định này đã có những hiệu quả có thể nói là diệu kỳ. Từ câu chuyện để thị trường quyết định giá gạo để nhìn lại câu chuyện giá điện hiện nay.

Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đó là xu hướng tất yếu. Trong khi đó, phát triển kinh tế phải gắn liền với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Nếu chúng ta không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho sự phát triển kinh tế, cũng không bắt kịp xu hướng xanh hóa nguồn năng lượng, thì chúng ta sẽ bị tụt lại rất xa.

Có nên xã hội hóa trong truyền tải điện?

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên là ba loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng phổ biến để phát triển điện ở nhiều quốc gia. Trong đó, điện khí LNG là loại năng lượng kỳ vọng giúp giảm phát thải carbon, nhờ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường và bầu khí quyển.

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt thay thế khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện. Điện khí LNG còn có ưu điểm linh hoạt, đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn do yếu tố thời tiết. LNG được coi là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn, nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững của các quốc gia.

Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, có nhiều biến số cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam, khi phải đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, nguồn vốn và chính sách.

Theo Quy hoạch điện VIII, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí (trong đó có nhiệt điện LNG) rất cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam hiệu quả, cạnh tranh và bền vững. Khi ngành công nghiệp khí LNG phát triển thuận lợi sẽ đóng góp tích cực vào an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG, cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Sự phát triển của ngành khí LNG cần đi đôi với quản lý an toàn và bảo vệ môi trường nên cần tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, quy trình… đảm bảo an toàn trong sản xuất, vận chuyển, tồn trữ và sử dụng khí tái hóa từ LNG.

Để đảm bảo phát triển ổn định của thị trường kinh doanh khí, Chính phủ và các cấp bộ, ngành đưa ra lộ trình phù hợp và hài hòa nhằm đảm bảo hiệu quả và khuyến khích dòng vốn đầu tư vào các dự án điện khí LNG. Đồng thời cũng cần xây dựng hành lang pháp lý cho việc triển khai các dự án hydrogen và cũng như xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hydrogen, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện phát triển các dự án hydrogen và thị trường hydrogen trong tương lai.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, giới chuyên gia, tổ tư vấn Chính phủ cũng như Quốc hội cần làm rõ khái niệm thế nào là năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo..., để người dân và cán bộ quản lý hiểu và thực hiện một cách chính xác, cụ thể.

Cơ hội và thách thức trong chuyển dịch năng lượng sạch và bền vững
Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ trong chuyển đổi năng lượng sạch
Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết về giảm mức phát thải

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.