Đẩy nhanh tiến độ các dự án tái định cư cùng với triển khai thi công đường Vành đai 4

Để bảo đảm cho người dân sau thu hồi đất thực hiện dự án đường Vành đai 4 ổn định cuộc sống, TP Hà Nội đã quyết định đầu tư xây dựng 14 khu tái định cư. Hiện, các địa phương có dự án tái định cư đường Vành đai 4 đều đang nỗ lực, quyết liệt giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện.
Ngày 25/6, tại Hà Nội chính thức diễn ra lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Dự án có tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng, đi qua địa phận Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh Ảnh: Khánh Huy
Ngày 25/6, tại Hà Nội chính thức diễn ra lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Dự án có tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng, đi qua địa phận Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh Ảnh: Khánh Huy

Đã có 7 khu tái định cư được khởi công xây dựng

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua 7 quận, huyện của TP Hà Nội gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, chiều dài là 58,2km. Tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án này là 793,8ha.

Tính đến tháng 8/2023, đã có 7 khu tái định cư được khởi công xây dựng. Việc nhanh chóng triển khai các khu tái định cư có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần vào thành công của dự án đường Vành đai 4. Người dân ở những khu vực bị thu hồi đất cũng rất mong được bồi thường, hỗ trợ, giao đất để sớm ổn định cuộc sống. Do đó, các địa phương cần tăng cường phối hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường tuyên truyền, thuyết phục người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Đồng thời, người dân mong muốn, TP xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng thỏa đáng, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân. Với những trường hợp cố tình gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung, các địa phương cần hoàn thiện hồ sơ để tổ chức kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất bắt buộc theo đúng quy định.

Cùng với đó, việc khởi công, xây dựng các khu tái định cư cần làm nhanh, quyết liệt, nhưng cũng phải bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của một khu dân cư đô thị với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp hài hòa với khu dân cư hiện hữu. Có như vậy, khi người dân nhận bàn giao đất mới có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống, không gây ra bức xúc trong dư luận. Những hộ dân liên quan đến công tác tái định cư phục vụ dự án đường Vành đai 4 cũng cần có tinh thần ủng hộ, đồng thuận, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng, vì sự phát triển chung của TP và Vùng Thủ đô.

Được biết, với mục tiêu phấn đấu đưa tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô vào khai thác năm 2027, Ban chỉ đạo xây dựng tuyến đường đang đẩy nhanh tiến độ về vốn, thi công, đồng thời xây dựng các khu tái định cư để ổn định đời sống cho người dân vùng di dời, giải tỏa mặt bằng. TP Hà Nội đang tập trung triển khai 14 dự án tái định cư cho người dân, đến nay đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng và di chuyển trên 10.000 ngôi mộ.

Đến nay, 2 khu gồm 1 khu tại huyện Sóc Sơn và 1 khu tại huyện Thường Tín đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. TP Hà Nội cũng vừa khởi công xây dựng dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại xã Văn Khê (Mê Linh) với diện tích gần 8ha, tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng. Diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 25.000m2 để phục vụ nhu cầu tái định cư của khoảng 200 hộ dân, khu này còn được bố trí 11.500m2 đất công cộng, bãi đỗ xe và đất cây xanh, tạo điểm nhấn cảnh quan.

-	Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài toàn tuyến là 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên là 20,3km, Bắc Ninh là 21,2km. Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh)
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài toàn tuyến là 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên là 20,3km, Bắc Ninh là 21,2km. Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh)

Không vì tiến độ, mà các điều kiện sống không bảo đảm

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, để phục vụ thu hồi đất ở, thực hiện dự án đường vành đai 4 cần tái định cư khoảng trên 800 hộ dân. Cụ thể, Mê Linh gần 300 hộ; Đan Phượng 115 hộ; Hoài Đức 115 hộ; Hà Đông 53 hộ; Thanh Oai 40 hộ và Thường Tín 201 hộ.

Tính đến gần hết tháng 8/2023, giải phóng mặt bằng cơ bản đảm bảo tiến độ, đạt trên 90%. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng đối với phần đất ở còn chậm, đặc biệt là đầu tư các khu tái định cư, những vùng đất đai lâu đời, gắn với phát triển đô thị, phố phường.

Tại huyện Thanh Oai, dự án khu tái định cư tại thôn Thượng, xã Cự Khê đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ, kết thúc thời gian niêm yết từ ngày 20/5/2023, song đến nay, không có hộ nào ký xác nhận. Được biết, huyện sẽ rà soát, kiểm đếm, thống kê nguồn gốc đất rõ ràng, minh bạch và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đối thoại để tạo sự đồng thuận của người dân.

Còn tại huyện Đan Phượng, khu tái định cư Vụng ở xã Hạ Mỗ rộng 0,56ha đã được các cơ quan chức năng của huyện kê khai, kiểm đếm, nhưng nhiều hộ dân không hợp tác. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất bắt buộc theo đúng quy định.

Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án tái định cư song hành với triển khai thi công dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các địa phương liên quan cần khẩn trương rà soát, nhận diện những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, sớm ổn định đời sống cho người dân.

Trong các cuộc họp Ban chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, xây đựng các khu tái định cư không được làm mất quyền lợi của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để thực hiện dự án. Các đơn vị liên quan phải quan tâm đến rà soát, kiểm đếm, khung giá đất để bảo đảm tái định cư đúng quy định, có phương án tạm cư nếu các dự án chưa bảo đảm tiến độ, hạ tầng khi đầu tư chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng đủ điều kiện sống của người dân; có kế hoạch chống tái lấn chiếm đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án quy hoạch, triển khai tiếp đó. Đồng thời phải tập trung triển khai 14 dự án tái định cư, bảo đảm các yếu tố sinh kế, cho người dân ổn định cuộc sống.

Đối với các dự án tái định cư, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông yêu cầu các huyện phải quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng và việc triển khai các dự án phải đồng bộ từ hạ tầng giao thông đến điện, nước… để người dân có thể ổn định cuộc sống ngay khi nhận bàn giao đất, chứ không vì tiến độ, mà các điều kiện sống không bảo đảm.

Hà Nội: Triển khai 14 dự án tái định cư liên quan đường Vành đai 4
Cần đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án thành phần hạng mục khu tái định cư
Mê Linh khởi công khu tái định cư Văn Khê

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.