Khó khăn trong việc điều tra lạm dụng mê tín dị đoan để lừa đảo:

Tâm lý sợ bị chê cười, ngại phiền phức của nhiều người

Mới đây, CA thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam "cô đồng bổ cau” Trương Thị Hương (SN 1986) để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174, khoản 2, Bộ luật Hình sự.
Cô đồng” Trương Thị Hương tại cơ CA Thị xã Kinh Môn hồi tháng 2/2023 Ảnh: CQCA cung cấp
Cô đồng” Trương Thị Hương tại cơ CA Thị xã Kinh Môn hồi tháng 2/2023. Ảnh: CQCA cung cấp

Kéo dài thời gian điều tra vì nạn nhân không hợp tác

Theo tài liệu điều tra, ngày 6/12/2022, anh T.T.X cùng mẹ đẻ đến nhà Hương, “cô đồng” nổi tiếng trên mạng xã hội với video bổ cau “đúng nhận sai cãi”, ở phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) để xem bói, xem phong thủy và tìm hiểu về những khó khăn gia đình đang gặp phải trong cuộc sống. Tại đây, cô đồng Hương "phán" nhà anh X đang ở bị yểm bùa, trước cửa nhà có ma quỷ quấy phá… gây vận hạn của gia đình. Hương nói muốn giải quyết cần phải làm lễ giải tiến hình (tức phải có hình nhân thế mạng) di cung hoán số cho cả nhà và làm lễ để phù hợp hướng nhà, cúng bái bát hương.

Hương gợi ý anh X làm lễ di cung hoán số, cầu bán được nhà, cầu bình an với giá 270 triệu đồng. Khi anh X trình bày hoàn cảnh gia đình không lo được số tiền đó, cô đồng này giảm giá xuống còn 180 triệu đồng, hứa cho anh X làm chủ đài rồi dặn hôm làm lễ, nếu có ai hỏi phải bảo "đã đóng 300 triệu đồng". Ngoài ra, cô đồng Hương còn hứa hẹn đến ngày 28/12/2022, gia đình anh X sẽ bán được nhà. Nhưng sau khi cúng lễ, chờ đến hết tháng 12/2022 vẫn không bán được nhà, anh Xuân làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Trương Thị Hương, gửi lên CQCA.

Về việc mặc dù có đơn đã lâu, nhưng CQĐT tỉnh Hải Dương vẫn kéo dài thời gian điều tra đối tượng Hương, đơn vị này đã tiết lộ lý do. Theo đó, sau khi có thông tin phản ánh từ báo chí và đơn tố cáo của người dân về hiện tượng cô đồng Trương Thị Hương có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức làm lễ hầu đồng, đơn vị này đã ra quyết định phân công xử lý nguồn tin báo tội phạm từ 22/2.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ việc, CA thị xã Kinh Môn gặp cả trở ngại về phía đối tượng bị tố cáo và người làm đơn tố cáo. Đối tượng bị tố cáo là cô đồng Trương Thị Hương không chịu hợp tác với CQĐT. Về phía những người tố cáo cô đồng Hương, có một số đơn tố cáo không xác minh đủ thông tin tố cáo, không chứng minh được số tiền đã giao cho Hương, còn có một số nạn nhân do ngại bị dư luận chê cười là u mê dại dột nên chấp nhận mất tiền và không muốn hợp tác với CQĐT.

Vấn đề tâm lý

Trường hợp các nạn nhân từ chối hợp tác điều tra là việc không hiếm gặp trong xã hội hiện nay. Lý giải việc này, anh Dương Quốc Văn (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo điều này điều kia dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua.

Trước đây hoạt động này bị ngăn cấm, nhưng mấy năm gần đây nền kinh tế phát triển, hiện tượng này nổi lên bán công khai qua các kênh trên mạng xã hội như facebook, tiktok kéo theo nhiều sự quan tâm, theo dõi và tham gia bởi một phần có nhu cầu “biết trước tương lai”, hóa giải vận hạn… thậm chí có cả những người theo vì… hiếu kỳ.

Cũng theo anh Văn, khi tham gia sâu vào việc bói toán hay cúng bái giải hạn, nhiều người mất số tiền khá lớn. Trong nhiều người này, có những người sau đó nhận thức việc mình đưa tiền cho thầy bói, thầy cúng để giải quyết vấn đề là sai lầm, bị những đối tượng kia lừa đảo. Nhưng cũng có nhiều người không coi đó là chuyện… mất tiền.

Họ nghiễm nhiên coi đó là bỏ tiền ra để mua sự yên tâm. Theo anh, cũng dễ để lý giải tâm lý của những người này. Có thể với những người “tín” thì cho đó là chuyện tâm linh, mà đã là chuyện tâm linh thì không nên nghi ngờ hoặc có thái độ “phỉ báng”. Số tiền đã bỏ ra, họ coi đó là “lòng thành”, không coi đó là mất.

Còn có một số người, họ biết được việc mang rất nhiều tiền để nhờ đối tượng hành nghề mê tín đoan cúng bái, giải hạn hoặc cầu ước thành công một việc gì đó sẽ có nhiều người phản đối. Chính thế, vì ngại bị chê cười, ngại bị người ta nói mình u mê, lo bị dị nghị nên cũng im lặng “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Cũng có trường hợp có người đi xem bói, cúng bái nhưng giấu gia đình. Những người này nếu có mất số tiền lớn, biết mười mươi gặp kẻ lừa đảo nhưng càng không dám ra mặt tố cáo… - theo anh Văn.

Đồng quan điểm với anh Văn, anh Nguyễn Văn Long (Hà Đông) cũng cho rằng, sở dĩ người ta không tố cáo những chuyện tương tự như vậy bởi đôi khi số tiền bỏ ra không đáng kể. “Nhiều người đi xem bói vì tò mò, họ bỏ ra số tiền nhỏ như 100 – 200 nghìn và cho rằng số ấy không đáng kể nên đúng hay sai, lừa đảo hay không không quan trọng.

Hơn nữa, chuyện xem bói, xem số thường là những chuyện xảy ra ở thì tương lai, nhiều khi nắm bắt được tâm lý của người xem nên các thầy bói, thầy tướng thường nói chung chung nên chuyện đúng sai có biết hay không cũng không ngay và luôn được. Vậy nên, lúc đó, ít người nghĩ đến chuyện nếu sai thì tố cáo hoặc đòi tiền…” – anh Long lý giải.

Trong trường hợp những người như bị hại đã tố cáo cô đồng Trương Thị Hương trong vụ án vừa qua, anh Long cho biết, anh biết có nhiều người cũng đi xem bói, giải vận hạn, hầu đồng… mất vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Sau đó, hầu hết các vấn đề của họ đều không giải quyết như ý nguyện. Nhưng rất hiếm người đi tố cáo với các CQCN. “Một phần họ ngại vì đó là chuyện tâm linh. Tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” có ở nhiều người, nên họ nghĩ có thể lúc đó “thánh” chưa… “độ”. Cũng có người biết đó là lừa đảo nhưng có nhiều lý do để không tố cáo. Họ giữ sĩ diện, tránh để người khác biết rồi chê trách mình ngu si, đồng thời cũng ngại đến CQCN trình báo rồi phải cung cấp, dây dưa này nọ…” – anh nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hiền (Long Biên), cũng cho biết, có lần cô ruột của chị cũng bị lừa 90 triệu đồng vì đến tìm một “thầy” làm lễ giúp con trai hết chơi bời, đánh bạc.

"Cúng xong con vẫn chứng nào tật đấy, nhưng cũng không dám đi tố cáo vì sợ chồng con biết sẽ mắng. Tôi biết còn có rất nhiều người bị lừa nhưng không dám kể vì sợ bị làng xóm dị nghị, cười chê vì u mê nên mất tiền. Người bị lừa nhiều nhất là người lớn tuổi", chị Hiền khẳng định.

Lý do khiến cô đồng bổ cau "đúng nhận, sai cãi" bị bắt tạm giam
"Cô đồng bổ cau" có thể đối mặt án phạt nào?

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.