Hà Nội: Triển khai 14 dự án tái định cư liên quan đường Vành đai 4

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các quận, huyện cần tiếp tục quyết liệt trong công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng, tập trung triển khai 14 dự án tái định cư đường Vành đai 4, bảo đảm các yếu tố sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống...
Triển khai 14 dự án tái định cư đảm bảo đời sống người dân liên quan đường Vành đai 4 Ảnh: UBNDTP Hà Nội
Triển khai 14 dự án tái định cư đảm bảo đời sống người dân liên quan đường Vành đai 4. Ảnh: UBNDTP Hà Nội

2 khu đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn trên địa bàn Hà Nội dài khoảng 59,2km, đi qua 7 quận/huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín). Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là 793,80ha.

GĐ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết: Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến ngày 28/7, các quận/huyện đã giải phóng xong 686,54ha (đạt 86,49%), di chuyển 6.258 ngôi mộ (đạt 62,37%). Cụ thể: Huyện Thanh Oai Đối, Chủ tịch UBND Bùi Văn Sáng cho biết: Đến nay, huyện đã giải phóng được 90,79% mặt bằng, tiến hành bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.

Đối với dự án thu hồi đất làm khu tái định cư đất tại thôn Thượng, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) phục vụ tái định cư cho các hộ dân thu hồi đất ở quận Hà Đông, đến nay huyện đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu trong tháng 8/2023, khởi công xây dựng đầu tháng 9/2023 và giao đất cho các hộ tái định cư tháng 12/2023. Tại huyện Thường Tín, công tác giải phóng mặt bằng đạt 84,3%; chi trả hơn 764,98 tỷ đồng cho 1.492 hộ liên quan đến dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Còn tại huyện Mê Linh, đã giải phóng mặt bằng được 121,19ha (đạt 99,2% diện tích đất nông nghiệp, đất giao thông thủy lợi, đạt 85,6% diện tích qua địa bàn huyện), vượt chỉ tiêu kế hoạch TP giao. Hầu hết hộ dân đều cam kết bàn giao mặt bằng để tiến hành thi công dự án đúng tiến độ.

Công tác di chuyển điện cao thế từ 110KV - 500KV trong phạm vi Dự án: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã trình Sở Công Thương thẩm định. Sở Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến các Bộ, Sở, ngành và đến nay đã có 7/23 đơn vị có ý kiến. Dự kiến Sở Công Thương sẽ ra thông báo thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở trong tháng 8/2023.

Về công tác đầu tư xây dựng các khu tái định cư, có 14 khu tái định cư được đầu tư xây dựng để phục vụ thu hồi đất ở thực hiện dự án. Đến nay, có 2 khu (1 khu tại huyện Sóc Sơn và 1 khu tại huyện Thường Tín) đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 12 khu đang triển khai các thủ tục liên quan.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn đã phối hợp với Sở TN&MT và các tỉnh có liên quan rà soát, xây dựng phương án, cập nhật số liệu khảo sát của các mỏ vật liệu khoáng sản dùng làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án. Ban Quản lý dự án đã có báo cáo về tình hình khảo sát các mỏ vật liệu đất đắp, cát đắp phục vụ thi công dự án.

Đảm bảo khung giá đất để triển khai tái định cư

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, việc triển khai dự án đang bị chậm bởi GPMB luôn là việc khó khăn. Đặc biệt là tại Hà Nội, diện tích GPMB không lớn nhưng liên quan nhiều đến các hộ dân và một số vị trí giải phóng mặt bằng còn khó khăn. Bí thư Thành ủy đề nghị, thời gian tới, các quận, huyện tiếp tục quyết liệt trong công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng, nhất là việc di chuyển mộ. Đồng thời, tập trung triển khai 14 dự án tái định cư cho người dân, bảo đảm các yếu tố sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.

Quá trình triển khai không được làm mất quyền lợi của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo mặt bằng thực hiện dự án. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, kiểm đếm, khung giá đất để bảo đảm triển khai tái định cư, có phương án tạm cư nếu các dự án chưa bảo đảm tiến độ, hạ tầng khi đầu tư chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng đủ điều kiện sống của người dân. Đồng thời có kế hoạch chống tái lấn chiếm đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án quy hoạch, triển khai tiếp đó.

Đối với việc thi công các công trình ngầm, nổi, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành, quận/huyện phối hợp với các cơ quan chức năng sớm hoàn thành hồ sơ trình thẩm định để thực hiện theo quy định. Đối với dự án thành phần 3 (phần đường cao tốc), các đơn vị liên quan hoàn thành xong phần thẩm định và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tăng cường thanh tra, chống thất thoát, lãng phí.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP quan tâm, chỉ đạo sát sao để có hướng giải quyết và góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường vận động, đối thoại với nhân dân để giải quyết những vấn đề ngay từ cơ sở, tránh để xảy ra điểm nóng liên quan đến dự án.

Đối với kiến nghị của các đơn vị, địa phương, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo sát sao để có hướng giải quyết và góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia. Thời gian qua, TP đã triển khai quyết liệt và bước đầu đáp ứng được yêu cầu đề ra, đã khởi công dự án vào ngày 25/6.
Phải "vượt nắng, thắng mưa" triển khai đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội: Bước ngoặt trên con đường xây dựng, phát triển Thủ đô
Đảm bảo tiến độ thực hiện xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.