Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Ban chỉ đạo; Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì hội nghị.
Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn NTM
Theo báo cáo tại hội nghị, về huyện nông thôn mới (NTM), Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Đối với 3 huyện (Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức) chưa đạt chuẩn NTM, Văn phòng Điều phối NTM Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định NTM Trung ương xem xét, công nhận 3 huyện đạt chuẩn NTM. Đến nay, Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Lũy kế từ năm 2019 đến nay, Thành phố đã tổ chức đánh giá, công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Riêng trong năm 2022, Thành phố đánh giá, công nhận được 518 sản phẩm OCOP, tăng 118 sản phẩm so với kế hoạch Thành phố đề ra (đạt 400 sản phẩm).
Về Phát triển kinh tế nông thôn, hiện có 1.389 HTX nông nghiệp; trong đó 1.165 HTX đang hoạt động, 224 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể. Các HTX nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Nhiều HTX đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.
TP Hà Nội hiện có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha. Hiện, các cơ sở sản xuất hoạt động ổn định và có xu hướng tiếp tục phát triển. Trong năm 2023, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM là 8.699 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến quý II/2023, có 8 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí là 488,3 tỷ đồng. Riêng năm 2023, quận Hoàn Kiếm hỗ trợ huyện Chương Mỹ 18,8 tỷ đồng xây dựng trường THCS Nam Phương Tiến A.
Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh cho biết nguồn vốn cấp cho chương trình xây dựng NTM rất kịp thời, đầy đủ, thể hiện sự quan tâm của Thành phố với huyện. Bên cạnh đó, các sở, ngành cũng bám sát cơ sở để hướng dẫn, đôn đốc tạo điều kiện cho huyện thực hiện nhiều nội dung còn vướng mắc. Các quận cũng dành nhiều nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng nhiều công trình trên địa bàn.
Bí thư Huyện ủy Ba Vì cũng đề nghị Thành phố quan tâm giúp đỡ cải thiện tiêu chí về môi trường để sớm di dời các hộ dân trong bán kính 500m khu vực ảnh hưởng bãi xử lý rác thải, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, có kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, chú trọng ứng dụng chuyển đổi số, tạo sàn giao dịch thương mại điện tử để người nông dân có thể tự chủ động tiêu thụ sản phẩm. Đối với công tác quy hoạch, cần phân tích kỹ thế mạnh từng địa phương để thu hút đầu tư và có chính sách thu hút đầu tư sau quy hoạch để đạt hiệu quả.
Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền cho biết: Hiện nay, huyện có 28/28 xã đạt chuẩn NTM và 6 xã đạt NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu. Huyện cơ bản hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM và đang tập trung hoàn thiện nốt các tiêu chí còn lại. Đến nay, đã hoàn thiện hồ sơ trình ban thẩm định.
Huyện đang nỗ lực để hoàn thiện về tiêu chí nước sạch và xây dựng hạ tầng khung, trong đó, huyện đang triển khai 12 dự án giao thông; tập trung hoàn thành các công trình thuộc 3 lĩnh vực: Trung tâm văn hóa, nhà văn hóa và trường học để khánh thành dịp kỷ niệm 69 năm thành lập huyện.
Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa cũng kiến nghị Thành phố có hướng dẫn cụ thể về cơ chế hỗ trợ, tích tụ ruộng đất, miễn thuế đất thực hiện khu chế biến, liên kết sản phẩm, sau khi Luật Thủ đô được Thông qua, để các huyện tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, huyện còn thiếu 3 tiêu chí xây dựng huyện NTM và đang nỗ lực tập trung hoàn thiện các tiêu chí về trường học, hoàn thành dự án Khu Công viên tưởng niệm Chu Văn An trong năm 2024; phấn đấu sẽ đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2024.
Đối với tiêu chí phát triển lên quận, một số tiêu chí huyện NTM nâng cao cao hơn tiêu chí quận, huyện sẽ vẫn chọn thực hiện tiêu chí cao hơn. Tháng 9 tới, huyện Thanh Trì sẽ hoàn thiện Đề án, xin ý kiến sở, ngành để cuối năm trình Thành phố, HĐND Thành phố thông qua vào tháng 4/2024.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội đã và đang đặt hàng các nhà khoa học, các viện, học viện… hỗ trợ thành phố tập trung vào sản xuất các lĩnh vực chủ lực trong nông nghiệp. Trong đó, về chăn nuôi tập trung vào phát triển con giống như: Bò, lợn, gà… để cung cấp giống cho cả nước. Hà Nội sẽ xây dựng chuỗi liên kết theo hướng “Hà Nội cung cấp giống cho các tỉnh để chăn nuôi và đưa sản phẩm về Thủ đô”. Đối với trồng trọt, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp hàng hoá cho người dân Thủ đô. Nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng hữu cơ, thích ứng với tự nhiên, tạo ra các sản phẩm mùa vụ bền vững.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng NTM
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành Thành phố, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp tập trung tổ chức triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2023 và Thành phố có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM, 4 huyện đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 33 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị, tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM, huyện NTM nâng cao, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.
UBND các huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức) bên cạnh việc thực hiện đề án xây dựng huyện thành quận, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện NTM nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt theo các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy và UBND Thành phố, hoàn thành xây dựng NTM nâng cao trước khi lên quận.
Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023, đề nghị các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thiện hồ sơ công nhận gửi về Văn phòng Điều phối NTM Thành phố trước 15/11/2023. Giao Văn phòng NTM Thành phố theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương, đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu năm 2023.
Các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng NTM theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn, chưa đạt chuẩn NTM.
Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban của HĐND Thành phố để sớm ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2026; trên cơ sở đó, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Về nâng cao đời sống nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2023, thu nhập của người dân nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm. Thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo theo hướng đa chiều, phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo so với đầu năm.
Tăng cường công tác nắm bắt tình hình, phát hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp về an ninh phát sinh trên các lĩnh vực, gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh nông thôn.
Hà Nội: Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn được cải thiện, nâng cao rõ rệt |
Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-uu-tien-danh-nguon-luc-de-hoan-thanh-muc-tieu-xay-dung-huyen-nong-thon-moi-344240.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.