Tháng hành động vì trẻ em

(PL&XH) - “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2016, với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em” bắt đầu được triển khai trên toàn quốc. Trước đó, để giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn,nhằm phòng tránh tai nạn thương tích Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Công ty TNHH ô tô xe máy DETECH tổ chức cuộc thi “Đi đường an toàn – Cho bạn, cho tôi”.

Nhức nhối tai nạn thương tích

Trong buổi phát động “Tháng hành động vì trẻ em” tại Quảng Ninh vừa qua, ông Đào Ngọc Dung – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết: Dù các cấp, các ngành, các địa phương và xã hội cũng như gia đình đã có nhiều nỗ lực, nhưng mỗi tháng vẫn còn khoảng 518 trẻ em và những người chưa đến tuổi vị thành niên bị tai nạn thương tích.

Cũng tại buổi phát động “Tháng hành động vì trẻ em”Phó Chủ tịch nước - Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ: Tôi rất xót xa khi tháng nào cũng nghe rất nhiều thông tin đau lòng về việc trẻ em chết vì tai nạn giao thông… Nguyên nhân chính, theo Phó Chủ tịch nước, vẫn là sự bất cẩn của người lớn và sự thiếu ý thức, kỹ năng của trẻ em.

Để giảm thiểu tình trạng tai nạn, thương tích cho trẻ em, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị cả xã hội và gia đình cần tích cực vào cuộc. Nhà trường, các tổ chức đoàn thanh niên… cần đưa vào dạy các kiến thức, kỹ năng sống cho các em nhiều hơn nữa. Khi đó chúng ta mới có thể kéo giảm được tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra với trẻ em.

Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn, thương tích

Cần chủ động phòng tránh

Một trong những nhức nhối nhất trong tai nạn thương tích ở trẻ em là vấn đề tai nạn giao thông. Đây cũng là nội dung quan trọng được đề cập đến trong “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2016. Đối với ngành giáo dục, bên cạnh việc giáo dục thường xuyên về phòng, tránh tai nạn thương tích trong năm học, ở những thời điểm cao điểm như đầu năm học, kỳ nghỉ hè đều có những hoạt động giáo dục kỹ năng sống thiết thực cho học sinh. Trước kỳ nghỉ hè năm nay, ngay từ tháng 4, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã tổ chức cuộc thi “Đi đường an toàn – Cho bạn, cho tôi” cho học sinh THCS và THPT trên toàn quốc. Sau hai tháng triển khai, cuộc thi đã có trên 400.000 lượt học sinh tham gia, với trên 2.000 trường đã tham gia cuộc thi này.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại buổi Lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em” 2016

Phát biểu tại buổi Lễ phát động Cuộc thi “Đi đường an toàn - Cho bạn, cho tôi” tại trường trường THCS Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên) ông Đỗ Văn Khải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi đối với vấn đề giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống cần thiết để các em chấp hành đúng pháp luật an toàn giao thông, đảm bảo an toàn cho cá nhân khi tham gia giao thông đồng thời tạo môi trường rèn luyện kỹ năng sống thân thiện, lành mạnh, thu hút học sinh vào các hoạt động ngoại khóa bổ ích và có cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức pháp luật giao thông, từ đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho bản thân, gia đình và cộng đồng…

Ông Đinh Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH ô tô, xe máy DETECH, đơn vị tài trợ cho Cuộc thi “Đi đường an toàn – Cho bạn, cho tôi” chia sẻ: Chúng tôi đã được trực tiếp chứng kiến lễ phát động cuộc thi của khoảng 80 trường THCS, THPT trước khi học sinh nghỉ hè. Do nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc phòng, tránh tai nạn thương tích cho học sinh nên các các trường đã chủ động, sáng tạo tổ chức cuộc thi, tạo sân chơi cho học sinh sáng tạo, giải quyết các tình huống giao thông thông qua hình thức sân khấu hóa. Sự vào cuộc quyết liệt của các trường, sự sáng tạo của học sinh đã giúp việc giáo dục an toàn giao thông không còn khô khan, cứng nhắc và đã đạt được hiệu quả giáo dục rất lớn, thu hút học sinh tích cực tham gia.

Trường THPT Hồng Đức- Quảng Ninh phát động cuộc thi ““Đi đường an toàn – Cho bạn, cho tôi”

Cần lắm những giải pháp

Buổi lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em” đã thu hút được trên 11 tỷ đồng từ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho hoạt động phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em. Theo ông Đinh Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH ô tô xe máy DETECH, việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa cho hoạt động phòng tránh thương tích ở trẻ em là rất cần thiết. Bên cạnh huy động về tài chính cũng rất cần huy động được các giải pháp phòng, tránh tai nạn thương tích. Việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về an toàn giao thông, về phòng tránh đuối nước…cũng là một sân chơi cần các cấp, các ngành, các đơn vị quan tâm. Ông Bắc cho biết thêm: Cuộc thi “Đi đường an toàn – Cho bạn, cho tôi” có bộ giải thưởng khá cao: Giải nhất 1 xe điện ESPERO Xmen, hai giải Nhì, mỗi giải một xe điện ESPERO XmenH, ba giải Ba mỗi giải một xe điện Espero 133H và khoảng 30 giải bằng tiền mặt dành cho tập thể cá nhân khi tham gia cuộc thi, tuy nhiên không phải vì giải thưởng mà đã có thể thu hút được người tham gia, mà quan trọng là từ ý nghĩa của hoạt động và giải pháp tuyên truyền hiệu quả, sáng tạo.

Lễ phát động cuộc thi "Đi đường an toàn" tại Hưng Yên

Cô giáo Hoàng Phượng Ly - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên) đơn vị phát động cuộc thi kỹ năng sống “Đi đường an toàn – Cho bạn, cho tôi” được đưa tin trên bản tin thời sự 19h của VTV1 cho rằng giải thưởng chỉ là điều khích lệ cho học sinh chứ không phải là tất cả, cô chia sẻ: Học sinh của trường tôi có em phải đi quãng đường 15-20km để đến trường, do vậy chúng tôi coi giáo dục an toàn giao thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần được ưu tiên trong suốt quá trình giáo dục các em. Cuộc thi “Đi đường an toàn – Cho bạn, cho tôi” mang đến cho chúng tôi một giải pháp mới trong tuyên truyền, giáo dục, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, giúp cho học sinh tiếp cận những vấn đề về kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông một cách thiết thực, bổ ích, dễ dàng…

“Tháng hành động vì trẻ em” năm 2016 đang ở thời điểm cao độ, mùa hè đã tới, phòng tránh tai nạn thương tích cần lắm sự quan tâm của gia đình và cộng đồng xã hội.

Lê Lượt

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.