Đi tìm nguồn gốc ngôi mộ cổ ở tỉnh Bến Tre

(PL&XH) - Nhiều năm qua, người dân ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vẫn luôn thắc mắc về những ngôi mộ cổ kỳ lạ ở gần chợ Long Thới. Không giống như những ngôi mộ cổ khác, quần thể mộ cổ này có hình thức mai táng rất đặc biệt và hiếm gặp, quanh ngôi mộ lớn còn nguyên quan tài và 4 cột đặt xung quanh.

Chúng tôi đến xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vào một ngày giữa tháng 6 để tìm hiểu về những ngôi mộ cổ vẫn còn nhiều bí ẩn nơi đây. Bà Trương Thị Thi, 66 tuổi, trú tại ấp Long Vinh, xã Long Thới cho biết, vùng đất nhà bà sinh sống trước kia là một khu rừng rất lớn. Mãi đến về sau khi tổ tiên của gia đình chồng bà về đây khai phá ra mảnh đất này rồi sinh sống ở đây cho đến tận bây giờ.

Ngôi mộ cổ bí ẩn được đồn đại có kho vàng. Ảnh: Bình Nghi

Bà Thi vừa dắt chúng tôi ra ngõ chính của bà rồi bắt đầu chỉ về những ngôi mộ. Hai bến tả - hữu của ngõ chính nhà bà đi vào là hai ngôi mộ cổ bằng đá tổ ong có kích thước rất lớn. Tuy nhiên, do thời gian thì những ngôi mộ đã bị hủy hoại dần chỉ còn những bước tường rong rêu phủ kín. Các biểu tượng, hoa văn hầu như đã bị phai mờ không còn nhìn thấy rõ.

Theo quan sát của chúng tôi, ngôi mộ cổ nói trên cao khoảng 2 mét, phía bên trên có khối chóp được xây đắp bằng một hợp chất khá vững chắc. Xung quanh ngôi mộ cổ có 4 cây trụ được làm hình khối, trên 4 mặt cây trụ này đều khắc những hoa văn hình người kỳ lạ đã phần nào bị mờ nhạt dần do thời gian.

Bà Trương Thị Thi trò chuyện với tác giả. Ảnh: Bình Nghi

Bà Năm Thi cho hay: “Trước kia khi chồng bà còn sống thì có người phát hiện được một vài đồ vật lạ ở quanh mộ. Tuy những đồ vật đó không có giá trị gì nhưng một số người vẫn đồn đại ngôi mộ này là của vua chúa thời xưa nên khi chết họ sẽ chôn rất nhiều vàng bên dưới”. Nhiều dân ở nơi đây còn khẳng định rằng phía dưới ngôi mộ sẽ có một kho vàng chôn theo người chết.

Gia đình bà Năm Thi cương quyết không đào mộ theo lời dặn của chồng bà, nhưng vì những lời đồn về số vàng bên trong nên những đối tượng xấu trong vùng và các vùng thỉnh thoảng cũng đến “viếng” mộ vào ban đêm. Chính điều này cũng làm cho gia đình bà Thi gặp không ít phiền toái.

Bà Năm Thi chia sẻ: “Ban ngày thì có gia đình tôi canh giữ cẩn thận nên họ không dám làm bậy chứ đêm đến là họ lén lút vào đào trộm mộ. Có hôm gia đình tôi ngủ dậy thì thấy mộ bị đào một lỗ rất lớn ở bên hông. Không biết họ có lấy được gì không nhưng ngay sau đó chúng tôi phải lấy đất đắp lại lỗ trống đó. Rồi có lần gia đình tôi có việc đi ăn giỗ ở xa thì ở nhà kẻ xấu lẻn vào đập mất một trụ mộ…”.

Phía gia đình bà Thi kiên quyết rằng sẽ bảo vệ ngôi mộ này không cho kẻ xấu đến đào trộm quậy phá, bà cũng mong các nhà khoa học sẽ nhanh chóng nghiên cứu về lai lịch của ngôi mộ này để có lời giải đáp cụ thể.

Được biết, vào thời điểm năm 2014, có một đoàn nghiên cứu đã từng đến những ngôi mộ trong vườn nhà bà Năm Thi nghiên cứu. Sau buổi làm việc, đoàn nghiên cứu chỉ ra đây rất có thể là những ngôi mộ của quý tộc thời nhà Nguyễn có niên đại khoảng 200 – 250 năm về trước. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng, đây là ngôi mộ cổ của những tướng quân đánh giặc bị tử trận và có niên đại đến hơn 500 năm…

Bình Nghi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.