Hà Nội: Thu giữ gần 2.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em không có hóa đơn chứng từ

Chiều 24/5, Đội QLTT số 24 - Cục QLTT thành phố Hà Nội đã kiểm tra đột xuất Cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em và thu giữ gần 2.000 sản phẩm là đồ chơi trẻ em các loại không có hóa đơn chứng từ.
Số hàng hóa vi phạm tại cơ sở kinh doanh.
Số hàng hóa vi phạm tại cơ sở kinh doanh.

Chiều 24/5, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em tại 162 đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức.

Tại đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra và thu giữ gần 2.000 sản phẩm hàng hóa là các loại đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, gồm: Búa đồ chơi, quạt cầm tay mini, xe ô tô đồ chơi loại to, bộ đồ chơi xếp hình, bộ đồ chơi lắp ráp các hình, bộ đồ chơi câu cá, bộ súng đồ chơi các loại, đèn lazer, bộ búp bê đồ chơi…

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cửa hàng là bà Phan Thị Nga cho biết, toàn bộ số hàng hóa trên được mua từ một người không rõ địa chỉ và không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

Tổng số hàng hóa lực lượng chức năng thu giữ được là gần 2.000 sản phẩm đồ chơi các loại.
Tổng số hàng hóa lực lượng chức năng thu giữ được là gần 2.000 sản phẩm đồ chơi các loại.

Thời gian qua, bất chấp những cảnh báo về tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, một số cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em vẫn công khai bán đồ chơi bạo lực như súng, dao, kiếm khi có khách hỏi mua. Đáng chú ý, dù các mặt hàng này năm nay có giá cao hơn 10% đến 30% so với mọi năm nhưng vẫn có nhiều khách hàng tìm mua.

Trước thực tế này, để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, trước và trong dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo toàn bộ lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực nhập lậu.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị tập trung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em... ngăn chặn các sản phẩm đồ chơi độc hại, kích động bạo lực nhập lậu. Cục Quản lý thị trường sẽ công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để cảnh báo cho người tiêu dùng.

Theo cảnh báo của các chuyên gia về sức khoẻ, những sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ trẻ em khi tiếp xúc trực tiếp. Nếu sử dụng trong thời gian dài, những chất này có thể xâm hại vào cơ thể bằng da, đường miệng hoặc đường hô hấp khiến trẻ dễ mắc nguy cơ ngộ độc, rối loạn chức năng hay vô sinh, thậm chí có thể gây ung thư.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hữu, Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), nhiều loại đồ chơi không rõ nguồn gốc thường là nhựa kém chất lượng, kim loại pha chì, rất độc hại khi dùng.

Trẻ nhỏ có thói quen ngậm đồ chơi, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, có thể gây nên căn bệnh về đường ruột, ho lao, viêm phổi. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp như vậy.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người tiêu dùng cần thay đổi cách nhân thức và thói quen khi ham mua đồ chơi rẻ mà ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Khi chọn đồ chơi cho trẻ em, phụ huynh nên lưu ý tới nhãn mác, xuất xử, thành phẩm sản phẩm. Đối với những loại được làm bằng nhựa, cần kiểm tra xem nó có chứa các kim loại nặng như asen, thuỷ ngân, chì... gây hại cho trẻ em hay không.

Đồng thời nên chọn những đồ chơi có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng, uy tín, chất lượng. Trong các trường hợp trẻ em sau khi tiếp xúc với các loại đồ chơi có dấu hiện chóng mặt, mẩn ngứa, buồn nôn... thì dừng ngay việc cho trẻ em chơi đồ chơi đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám nếu các dấu hiện không thuyên giảm.

Phát hiện ra cơ sở sản xuất hay kinh doanh các sản phẩm đồ chơi trẻ em có dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây nguy hại cho người tiêu dùng, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định pháp luật.

Cách chọn đồ chơi an toàn cho trẻ:

- Đối với những món đồ chơi làm từ nhựa, cần phải lựa chọn đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, có dán tem đảm bảo chất lượng. Tuyệt đối không mua những loại đồ chơi được bày bán tràn lan, không rõ nguồn gốc, màu sắc bắt mắt.

- Không chiều theo ý thích của trẻ: Trẻ nhỏ thường bị thu hút bởi những món đồ chơi có hình dáng bắt mắt hoặc có màu sắc sặc sỡ. Vì trẻ nhỏ chưa phân biệt được đồ chơi an toàn hay không nên cha mẹ tuyệt đối không chiều theo ý của bé.

- Ưu tiên đồ chơi truyền thống: Những món đồ chơi dân gian như đèn ông sao, mặt nạ, đầu sư tử, đèn kéo quân, tò he… được làm từ nguyên liệu thân thiện môi trường, an toàn, giá cả phải chăng và có tính giáo dục cao là lựa chọn rất hợp lý cho dịp trung thu.

- Tự làm đồ chơi hand-made: Tự mua nguyên vật liệu và cả nhà cùng xúm tay vào làm đồ chơi trung thu cho bé là một ý tưởng tuyệt vời, giúp tăng tính gắn kết cho cả gia đình, vừa khiến cho trung thu trở nên ý nghĩa hơn. Có rất nhiều món đồ chơi đơn giản, có thể tự làm ở nhà như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng từ lon bia, đèn lồng xếp…

Hà Nội: Phát hiện, thu giữ gần 10 tấn nguyên liệu sản xuất kem quá hạn sử dụng
Hà Nội phát hiện hơn 28.000 loại mỹ phẩm, đồ gia dụng không nguồn gốc xuất xứ

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.