Thủ tục giải quyết trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần đầu hiện nay ra sao?

Thủ tục giải quyết trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong trường hợp bị tai nạn lao động lần đầu được thực hiện theo quy định tại tiểu mục 4 Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021.
Thủ tục giải quyết trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần đầu hiện nay ra sao?
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm nay, đã có gần 10.000 người lao động được giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp

Căn cứ tiểu mục 4 Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021, hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp lần đầu bao gồm:

* Đối với người lao động

- Bản sao Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ (trường hợp điều trị nội trú)

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa

- Chỉ định của cơ sở KCB, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có);

- Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa (trường hợp thanh toán phí giám định y khoa);

* Đối với đơn vị sử dụng lao động:

Bản chính văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ (mẫu 05A-HSB) của đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ).

Trường hợp nào người lao động (NLĐ) không được hưởng chế độ tai nạn lao động?

Theo quy định tại tiểu mục 4 Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021, NLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN được hưởng chế độ TNLĐ khi bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ Luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

- Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của đơn vị SDLĐ hoặc người được đơn vị SDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

- Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Ngoài ra, NLĐ không được hưởng chế độ TNLĐ nếu thuộc một trong các nguyên nhân sau:

- Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

- Do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

- Tai nạn do say rượu, bia hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.

Trường hợp NLĐ bị TNLĐ mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật.

Đơn vị SDLĐ nộp hồ sơ bằng một trong các hình thức sau:

- Qua giao dịch điện tử: lập hồ sơ điện tử, ký số và gửi lên Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN; trường hợp không chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy cho cơ quan BHXH qua bưu chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ NLĐ.

- Qua Bưu chính.

- Trực tiếp tại cơ quan BHXH.

Đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động ở nhóm ngành nguy cơ cao

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm nay, đã có gần 10.000 người lao động được giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp là một trong 5 chế độ BHXH bắt buộc được quy định trong luật BHXH, nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Trong năm 2022, ngành BHXH đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và một lần cho trên 8.100 người. Trong 3 tháng đầu năm nay, có gần 1.700 người lao động được giải quyết chế độ.

Ngoài việc chi trả chế độ cho người lao động, Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hằng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Theo quy định hiện hành của luật An toàn vệ sinh lao động, đối với những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Nếu như người sử dụng lao động không đóng BHXH cho người lao động, khi chẳng may trong quá trình lao động, người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ các chế độ trợ cấp hằng tháng, một lần, trợ cấp phục vụ cho người lao động thay cho cơ quan BHXH.

BHXH Việt Nam khuyến nghị, bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động. Vì vậy, khi tham gia giao kết hợp đồng lao động, người lao động hãy chắc chắn người sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ trong việc đóng BHXH cho mình, như vậy mới có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong quá trình làm việc.

Tại phiên đối thoại định kỳ của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 tổ chức tháng 4 vừa qua, một số Hiệp hội và doanh nghiệp đã kiến nghị về vấn đề mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghệ nghiệp.

Theo kiến nghị, những ngành nghề độc hại tại Việt Nam vẫn đang cào bằng mức đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp như các nhóm lao động khác. Vì thế, tới đây nên chia theo các mức độ nguy hiểm, rủi ro khác nhau. Với những ngành nghề có nhiều rủi ro, nguy cơ cao dẫn đến TNLĐ thì nên nâng trách nhiệm của người sử dụng lao động lên. Việc này sẽ giúp ích nhiều hơn trong đảm bảo an toàn lao động cho người lao động cũng như tạo được sự công bằng hơn.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan chức năng có mức xử phạt hành chính tăng hơn đối với các vụ tai nạn mà không khai báo, đảm bảo an toàn lao động cho người lao động. Đặc biệt, Bộ LĐ, TB-XH sớm có hệ thống dữ liệu công khai minh bạch về an toàn lao động để cộng đồng cùng giám sát.

Người lao động đóng nối BHXH có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Hà Nội nỗ lực đưa ra các giải pháp hỗ trợ lao động mất việc

Dương Quyên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.