Ly kỳ vụ án con sát hại mẹ vì tiền ở Bắc Giang:

Lý do đại diện VKSND đề nghị huỷ án?

HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên tòa xem xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Vi Văn Phượng, SN1968, trú tại huyện Lục Nam, Bắc Giang, về tội “Giết người”.
Bị cáo tại tòa
Bị cáo tại tòa

Xuất phát từ việc vay tiền?

Đáng chú ý, nạn nhân trong vụ án chính là mẹ đẻ của Phượng, bà Nguyễn Thị Vui, SN 1926. Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Vi Văn Phượng sống chung với người mẹ bị mù. Năm 2009, Phượng vay tiền và vàng để con trai đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, trong đó có vay bà Vui 1,5 chỉ vàng. Sau đó, bà Vui nhiều lần đòi vàng nhưng Phượng chưa trả được. Phượng đến tiệm vàng mua 1,5 chỉ vàng để trả cho mẹ. Bà Vui nói, vàng giả khiến Phượng thêm bức xúc vì nghĩ mẹ không tin mình. Hai mẹ con to tiếng nên Phượng lại nảy sinh ý định giết mẹ.

Theo hồ sơ, lúc 5h ngày 4/10/2012, Phượng ngủ dậy dọn dẹp nhà cửa rồi đưa tiền cho con trai đi mua mì gói về nấu cho hai bà cháu ăn. Sau đó, Phượng đi làm thuê cho người trong thôn. Đến 11h trưa, Phượng về nhà thấy mẹ nằm ngủ trên giường. Phượng đi vào góc buồng lấy con dao quắm chém nhiều nhát vào vùng cổ, vai làm bà Vui tử vong.

Đầu năm 2013, TAND tỉnh Bắc Giang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Suốt phiên tòa, bị cáo liên tục kêu oan, cho rằng mình bị điều tra viên ép cung. Tuy nhiên, HĐXX bác bỏ và tuyên bị cáo mức án tử hình. Tháng 8/2013, TAND cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm. Phượng tiếp tục kêu oan và HĐXX thấy không có căn cứ nên tuyên y án.

Ngày 30/8/2016, Viện trưởng VKSND TC có kháng nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND TC hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Tháng 11/2016, TAND TC đã giám đốc thẩm, tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết tội Vi Văn Phượng để điều tra lại.

Theo Hội đồng Thẩm phán, đây là vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo bị kết án tử hình nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều thiếu sót, mâu thuẫn trong việc đánh giá chứng cứ. Những điểm mấu chốt của vụ án chưa được làm rõ như: Thời gian chết của bà Vui, chiếc áo ông Phượng mặc khi phạm tội còn nhiều tranh cãi, vết máu ở hiện trường chưa được làm rõ, động cơ gây án...

Đến năm 2019, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm lần hai, cho rằng việc kết tội Vi Văn Phượng là có cơ sở nên lần thứ 3 tuyên án tử hình và bị cáo Phượng tiếp tục kêu oan.

Bị cáo quả quyết, không giết mẹ

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, bị cáo Vi Văn Phượng vẫn kêu oan và cho rằng, không giết mẹ như cáo buộc. Trong các bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó, bị cáo Phượng được xác định là người dùng dao chém chết mẹ vì 1,5 chỉ vàng. Tài sản này theo cơ quan tố tụng là khoản vay giữa 2 mẹ con. Phượng thừa nhận, có vay mẹ 1,5 chỉ vàng, đồng thời cũng xác nhận đã mua trả bà Vui. Tuy nhiên, bị cáo nói, 1,5 chỉ vàng trên chưa bao giờ là lý do khiến bị cáo và mẹ mâu thuẫn.

Trong hồ sơ, các bản khai trong quá trình điều tra, bị cáo Phượng đều thừa nhận, giết mẹ. Tuy nhiên, sau đó bị cáo liên tục kêu oan, phủ nhận cáo buộc và HĐXX đã hỏi để làm rõ. "Bị cáo sợ CA nên nhận tội" – Phượng trả lời và có nhắc đến việc bị bức cung, dùng nhục hình.

Do đó, HĐXX phúc thẩm đã yêu cầu 2 điều tra viên từng trực tiếp hỏi cung bị cáo lên để xét hỏi. Tại tòa, điều tra viên khẳng định, quá trình hỏi cung không sử dụng phương tiện hay lời nói để ép cung hay nhục hình đối với bị cáo. Ngoài ra, điều tra viên trình bày, quá trình lấy cung có sự chứng kiến của nhiều người có liên quan khác, cũng như việc lấy cung được thực hiện nhiều lần, do nhiều điều tra viên chứ không chỉ duy nhất 1 người tiến hành.

Cùng tham gia xét hỏi điều tra viên, đại diện VKSND chất vấn lời khai của Phượng về thời điểm gây án thay đổi một cách khó hiểu. Cụ thể, biên bản khai đầu tiên của Phượng thể hiện bị cáo gây án vào khoảng 9h-9h30, nhưng 2 ngày sau, lời khai lại thay đổi là bị cáo sát hại bà Vui lúc hơn 11h (?). Điều tra viên cho biết, những lời khai sau là do điều tra viên khác ghi và khẳng định: "Chúng tôi có trách nhiệm ghi các lời khai đảm bảo khách quan”.

Trong phần xét hỏi trước đó, điều tra viên xác nhận là người trực tiếp đến nơi xảy ra vụ án mạng, thời gian là khoảng sau 12h ngày 5/10/2012, tức là sau khoảng 1 giờ đồng hồ từ khi bà Vui bị sát hại. Khi HĐXX hỏi về chiếc áo màu trắng có dính máu được vắt tại thang, điều tra viên này khẳng định, vị trí nơi bà Vui bị giết quá xa để máu có thể bắn vào. Theo cáo buộc, bị cáo Phượng mặc chiếc áo trên trong khi gây án, sau đó cởi ra và vắt lên thang.

Nói về công tác thực nghiệm lại vụ án, HĐXX đặt câu hỏi về bối cảnh thực hiện, cũng như các chi tiết và người tham gia. Điều tra viên khai, công tác thực nghiệm diễn ra khi mình đã chuyển công tác và không còn thụ lý điều tra vụ án.

Phía luật sư của bị cáo thắc mắc về việc, tại sao các điều tra viên lại không đề xuất, tham mưu trưng cầu giám định vân tay trên con dao gây án. Điều tra viên trả lời, đã giám định nhưng không phát hiện dấu vết nào. Luật sư trích một số bút lục, thể hiện nội dung có 3 người từng ở cùng buồng tạm giam với ông Phượng, khai nhiều lần thấy bị cáo tâm sự là bị oan, đồng thời bị ép cung, dùng nhục hình.

Phần nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung, làm rõ chứng cứ buộc tội đối với bị cáo Vi Văn Phượng.

Theo đại diện VKSND, tòa cấp sơ thẩm cáo buộc bị cáo Phượng giết mẹ với 2 chứng cứ là chiếc áo trắng dính máu cùng con dao quắm là hung khí. Tuy nhiên, chiếc áo này có nhiều nhân chứng khai, bị cáo Phượng không mặc hôm đó. Động cơ phạm tội được cấp sơ thẩm xác định do mâu thuẫn liên quan vay mượn 1,5 chỉ vàng và “cuộc sống khó khăn mẹ lại không thông cảm” nhưng Kiểm sát viên cho rằng, gia đình bị cáo Phượng khi đó kinh tế đã ổn định, vợ vừa gửi 50 triệu đồng từ nước ngoài về. Anh trai và hàng xóm cũng nói bị cáo Phượng “là con có hiếu”, chăm sóc mẹ nhiều năm nên động cơ gây án chưa rõ.

Vị đại diện VKSND nêu, bị cáo Phượng có những lời khai không nhất quán, lúc nhận tội, lúc không. Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên hủy án bản sơ thẩm quy kết Vi Văn Phượng giết mẹ mù lòa để điều tra lại.

Tuy nhiên, HĐXX đã bác kháng cáo kêu oan của bị cáo và đề nghị của đại diện VKSND. Toà tuyên bị cáo mức án chung thân về tội "Giết người" (thay vì án tử hình mà toà cấp sơ thẩm đã tuyên).

Đại diện VKSND cho rằng, thời gian nạn nhân tử vong cũng có mâu thuẫn, cần làm rõ. Bị cáo từng có lời khai giết mẹ vào 9h sáng rồi lại đi làm cùng mọi người. Nhưng lời khai này bị các nhân chứng bác bỏ. Nhân chứng cho hay, họ làm cùng ông Phượng cả buổi sáng rồi ăn trưa với nhau, bị cáo chỉ ra về sau 11h.
VKSND kiến nghị yêu cầu khắc phục với 454 vụ án
Cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ được đề nghị giảm một phần hình phạt

Bảo Lâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.