Bỏ “chuồng cọp” để đảm bảo an toàn cho người dân

“Gót chân Asin”của không gian đô thị

Nhà ở đô thị, khu chung cư cũ (CCC)… cơi nới “chuồng cọp” đang là một vấn nạncần phải xóa bỏ cấp bách để đảm bảo an toàn cho người dân và tạo mỹ quan đô thị.
“Gót chân Asin”của không gian đô thị
Việc cơi nới "chuồng cọp" khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, lộn xộn,...

“Chuồng cọp” tấn công không gian đô thị

Phải nói thêm rằng, ở thời điểm này việc làm “chuồng cọp” trở thành một trào lưu nhưng cũng là nhu cầu thực tế ở hầu hết các CCC. Bây giờ, ở các CCC ở Hà Nội, rất hiếm tìm thấy một ô ban công, logia nào mà không có “chuồng cọp”. Với các CCC xây dựng từ 40 - 50 năm trước, "chuồng cọp" là lựa chọn giúp người dân cơi nới, mở rộng không gian sống.

Chắc rằng ai cũng đều biết rằng duy trì khung sắt bịt bùng ở ban công là rủi ro, song với không gian sống chật hẹp của họ thì đó có thể là gian bếp, là nơi phơi quần áo hay thậm chí là phòng ngủ của một gia đình. Có lẽ vì thế nhiều người đã tặc lưỡi, bất chấp rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Thế nhưng chưa phải là hết, “chuồng cọp” tưởng chừng chỉ là quá độ một thời nhưng không phải vậy. Từ nhà chung cư, “chuồng cọp” đã lan sang cả những ngôi nhà phố. Có nhà làm ban công, logia rồi sau đó cải tạo, quây lồng sắt làm “chuồng cọp”; có nhà làm “chuồng cọp” ngay từ đầu. “Chuồng cọp” có thể ở các tầng dưới hay cả tầng tum, sân thượng. Có thể thấy ở hầu hết các tuyến phố, đều có những ngôi nhà phố có “chuồng cọp”.

Và ngay cả ở nhiều chung cư cao tầng mới xây dựng trong khoảng năm 2000 ở Hà Nội, “chuồng cọp” cũng xuất hiện và không phải là cá biệt ở một vài căn hộ. Ngoài nhu cầu về diện tích sử dụng thì vấn đề an toàn là điều cần nghiên cứu thấu đáo ở góc độ xã hội và chuyên ngành xây dựng. Nếu như ở các CCC (dưới 5 tầng) người ta lo ngại trộm cắp thì ở các chung cư mới cao tầng, người dân lại lo lắng vấn đề rơi, ngã từ trên cao xuống.

Một số chuyên gia cơ khí cho biết, để làm "chuồng cọp" người ta phải đục tường, vách rồi hàn vào cốt thép của bê tông tòa nhà. Việc này ít nhiều ảnh hưởng đến cấu trúc, giảm tuổi thọ của công trình. Hơn nữa, việc thiết kế không theo tiêu chuẩn nào, vật liệu đa dạng đôi khi là những vật liệu tiết kiệm lấy được từ những công trình đã phá bỏ nên độ an toàn của “chuồng cọp” cũng rất khó nói.

Như một “sản phẩm” hình thành và phát triển đại trà trong một giai đoạn của lịch sử, "chuồng cọp" bấy lâu nay trở thành một vấn nạn ở các đô thị lớn. Những hình ảnh các tòa nhà cao tầng kiểu cũ, sập xệ vôi mốc nhưng “đeo” trên mình những "chuồng cọp" khiến cả con phố trở nên nhếch nhác, u ám.

Thực tế, đã có những vụ hỏa hoạn gây thiệt hại tới tính mạng bởi “chuồng cọp” che chắn, quây kín không có lối thoát. Nhưng phải đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 24 phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông ngày 13/5 vừa qua, cùng với sự vào cuộc của truyền thông, thì vấn đề “chuồng cọp” mới làm thức tỉnh nhiều người.

Vụ hỏa hoạn đã khiến 4 người trong một gia đình tử vong, là một trong những vụ hỏa hoạn nhà ở đơn lẻ gây thiệt hại nặng nề nhất trong thời gian qua. Theo lực lượng chức năng, đám cháy phát sinh từ tầng 1. Căn nhà có diện tích xây dựng khoảng 40m2, cao 3 tầng và 1 tum. Phần tum thông thoáng có thể thoát nạn sang nhà bên cạnh và xuống dưới. Bên ngoài căn nhà từ tầng 1- 3, được quây kín bởi hàng rào sắt hay còn gọi là “chuồng cọp”. Một số nhân chứng cho biết, khi họ phát hiện có người mắc kẹt ở bên trong nhưng lửa cháy lớn ở tầng 1 nên không thể tiếp cận, giải cứu nạn nhân.

Oằn mình gánh “chuồng cọp”

Khoản 2 Điều 70, Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Hành vi chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian xung quanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung hoặc lấn chiếm các phần thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khác như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Dù quy định đã rõ nhưng những vi phạm này vẫn diễn ra rất phổ biến,việc xóa bỏvấn nạn “chuồng cọp” không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là bất khả thi. Bởi ở đô thị, người ta đã quen với việc nhà nào biết nhà nấy và nỗi lo lắng ô cửa thoát hiểm lại thành “gót chân Asin” để kẻ gian lợi dụng. Bây giờ, có lẽ không mấy ai nói về thẩm mỹ đô thị nữa, mà vấn đề an toàn hỏa hoạn đang là điều cần quan tâm.

Chuyên gia quy hoạch đô thị Thạc sĩ Trần Tuấn Anh nhìn nhận, vấn nạn “chuồng cọp” tràn lan không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đến tính mạng, tài sản của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị. Từ nhiều năm trước đây, TP Hà Nội đã xây dựng dự thảo đề án cải tạo chỉnh trang đô thị, trong đó có việc tháo dỡ lồng sắt ở các căn hộ. Cùng với đó cũng đề xuất về việc những nhà sống liền kề sẽ làm hệ thống lồng sắt bảo vệ thông với nhau để dễ dàng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.

“Cơi nới “chuồng cọp” hoàn toàn là sản phẩm sáng tạo của người dân do thực tiễn nhu cầu cuộc sống, thay đổi theo từng thời kỳ, đến nay không chỉ ở những chung cư, nhà tập thể nữa mà ngay cả ở công trình nhà ở riêng lẻ, khu phố mới người dân cũng lắp đặt “chuồng cọp” để bảo vệ tài sản.

Tuy nhiên những đề xuất trên rất khó thực hiện, bởi bảo vệ tài sản là nhu cầu chính đáng của người dân, hơn nữa ngươi dân ở đô thị vốn đã quen với cuộc sống nhà nào biết nhà đấy và nỗi lo lối thoát hiểm trở thành của nhà mình trở thành điểm yếu để kẻ gian lợi dụng”, Thạc sĩ Trần Tuấn Anh phân tích.

Nói “chuồng cọp” là xấu, ảnh hưởng thẩm mỹ đô thị thì rất dễ. Nói cần dẹp bỏ “chuồng cọp” để đảm bảo an toàn khi hỏa hoạn cũng rất dễ. Nhưng “chuồng cọp” là một sản phẩm dân gian, nó gắn liền với người dân với tâm lý, tâm thức tận dụng, tạm bợ… đã in sâu và tồn tại trong một xã hội bất an với quá nhiều tệ nạn, thì câu chuyện không thể là một sớm một chiều.

Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan đến việc không có lối thoát hiểm do bị "chuồng cọp" quây kín, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: vụ hoả hoạn tại số nhà 24 phố Thành Công, quận Hà Đông xảy ra ngày 13/5, khiến 4 người tử vong; vụ hỏa hoạn tại khu tập thể B9 Kim Liên, quận Đống Đa làm 5 người thiệt mạng, 2 người bị thương xảy ra rạng sáng ngày 21/4/2022; vụ cháy ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa làm 4 người tử vong ngày 4/4/2021; vụ cháy nhà ngõ 41 phố Vọng, quận Hai Bà Trưngvào năm 2017 làm 2 người thiệt mạng; vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy vào năm 2016 làm 13 người thiệt mạng…
Không gian đáng sống giữa nội đô cho con trẻ
Hà Nội: Tái tạo đô thị từ những không gian sáng tạo

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.