Làm rõ nguyên nhân chỉ số cải cách hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường thấp

Chiều 23/5, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc TP Hà Nội.
Làm rõ nguyên nhân chỉ số cải cách hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường thấp
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận buổi làm việc.

Chỉ số cải cách hành chính tăng, nhưng vẫn thấp

Báo cáo bổ sung, giải trình, làm rõ thêm một số nội dung Đoàn giám sát yêu cầu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Tấn cho biết, chỉ số CCHC của đơn vị đã tăng về cả điểm số và thứ hạng, tuy nhiễn vẫn đứng ở vị trí thấp so với các sở, cơ quan ngang sở trên địa bàn thành phố. Theo bảng chấm điểm của UBND thành phố, chỉ số đánh giá cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của Sở tăng 10,89 điểm so với với năm 2021, xếp thứ 20/22 sở, cơ quan ngang Sở (tăng 2 bậc so với năm 2021).

Trong tổng số 8 nhóm, 170 tiêu chí thành phần chấm điểm chỉ số CCHC của các sở, cơ quan tương đương sở trên địa bàn thành phố, có 4 nhóm, 33 tiêu chí thành phần đạt điểm thấp gồm: Xây dựng và Tổ chức thực hiện Văn bản Quy phạm pháp luật; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Cải cách tài chính công; Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Để nâng cao chỉ số CCHC, Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các tiêu chí thành phần được chấm điểm tối đa năm 2022; Chỉ rõ nguyên nhân của 33 tiêu chí thành phần bị trừ điểm, đưa ra giải pháp và giao nhiệm vụ cho từng phòng, đơn vị thực hiện giải pháp khắc phục cụ thể đối với từng tiêu chí.

Công tác xác định giá đất còn nhiều vướng mắc

Về nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Sở đã tổng hợp, trình UBND Thành phố ban hành 18 Quyết định phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện của 17 huyện và thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Đối với 12 quận không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Theo Phó giám đốc Sở TN&MT, hiện công tác xác định giá đất cụ thể gặp nhiều khó khăn vướng mắc dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, chậm có kết quả thực hiện của một số dự án như: Bất cập về chính sách giữa các thời kỳ Luật Đất đai năm 2003 và 2013; không có hoặc thiếu hồ sơ pháp lý để thực hiện; công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch do hợp nhất không đảm bảo tiến độ thực hiện.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện (tổng 42 ngày) quá ít cho các công tác xác định giá cụ thể: Sau khi được lựa chọn đã có đơn vị xin không tham gia hoặc trả lại hồ sơ xác định giá đất vì nhiều lý do như giá trị thuê đơn vị tư vấn thấp; Đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài sản so sánh trên thị trường mặc dù được các quận huyện và các ngành phối hợp tạo điều kiện điều tra khảo sát...

Đối với việc Phân cấp, ủy quyền trong công tác cấp Giấy chứng nhận, đơn vị đã ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện 12 TTHC liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Làm rõ nguyên nhân chỉ số cải cách hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường thấp
Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Huy Cường làm rõ thêm một số nội dung tại buổi làm việc.

Ban hành văn bản đúng quy định, tránh việc "không quản được thì cấm"

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, Sở TN&MT đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình làm rõ các vấn đề đoàn quan tâm, song thực tiễn chỉ số CCHC của Sở rất thấp, chuyển biến chậm, nhiều năm chưa có giải pháp căn cơ để thúc đẩy chỉ số này. Có tới 8/14 chỉ tiêu nhánh giảm hạng, chủ yếu là các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian (giảm 37 bậc), thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định (giảm 27 bậc), doanh nghiệp đánh giá rủi ro bị thu hồi đất giảm 21 bậc…

Để thúc đẩy CCHC thời gian tới, Trưởng Đoàn giám sát số 1 đề nghị Sở TN&MT tập trung tham mưu đầy đủ các nội dung theo các kế hoạch, quyết định của UBND thành phố. Đặc biệt, đề nghị Sở ban hành văn bản đúng quy định, tránh trình trạng ban hành văn bản rồi lại bãi bỏ văn bản như trường hợp Công văn 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ ngày 22/3/2022 về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất vừa qua, tránh việc “không quản được thì cấm”.

Bên cạnh đó, Sở cần tiếp tục bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn của CCHC để đề ra các giải pháp cụ thể tổ chức triển khai có hiệu quả công tác này thuộc phạm vi quản lý, tạo đột phá trong CCHC năm 2023. Trong đó, sử dụng công chức phải phù hợp với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; chú ý đối với những nội dung, tiêu chí thường xuyên bị trừ điểm qua các năm mà không có sự khắc phục, cải thiện.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở TN&MT hàng năm chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC phòng, ban, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở theo hình thức chuyên đề và đột xuất để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo sự đồng bộ trong công tác CCHC. Đặc biệt, phải có giải pháp khắc phục tồn tại, khuyết điểm được chỉ ra; những vấn đề ảnh hưởng đến kết quả chỉ số CCHC, SIPAS, PAPI của đơn vị; có thái độ, biện pháp xử lý với cán bộ trực tiếp giải quyết gây phiền hà, nhũng nhiễu tới Nhân dân.

Trao đổi tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị Sở TN&MT làm rõ thêm 45 nội dung chưa rõ tại buổi làm việc của đoàn giám sát với Sở ngày 18/5/2023. Trong đó, đề nghị nêu rõ về hiệu quả, tính kịp thời trong công tác ban hành chỉ đạo lĩnh vực CCHC của ngành; lý do chỉ số CCHC của sở thấp (năm 2022 xếp thứ 20/22), giải pháp khắc phục thời gian tới?. Lý do thực hiện chậm 80 nhiệm vụ thành phố giao?; Tỷ lệ số lượng TTHC chậm giải quyết, trả lại hồ sơ của công dân, doanh nghiệp?...

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng yêu cầu Sở TN&MT làm rõ thêm công tác tuyên truyền, quán triệt công tác CCHC của ngành; nêu số cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với văn phòng, chi nhánh đăng ký đất đai của Sở và quận, huyện, thị xã?...

Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số
Hải Phòng xếp hạng thứ mấy về Chỉ số cải cách hành chính năm 2022?
Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân

Vân Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.