Cảnh báo hoả hoạn: Bất cập trong thiết kế công trình nhà ở

Trong những ngày giữa tháng 5 vừa qua, 2 vụ hoả hoạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội và Hải Phòng một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh cho ta thấy những vấn đề bất cập về công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy trong thiết kế sử dụng nhà ở và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
Công trình trong vụ cháy quán bar ở Hải Phòng được thiết kế theo dạng nhà ống khép kín
Công trình trong vụ cháy quán bar ở Hải Phòng được thiết kế theo dạng nhà ống khép kín

Liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy thương tâm

Khoảng 14h ngày 12/5, một quán bar tại địa chỉ 144 Văn Cao, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) xảy ra hỏa hoạn. Ngọn lửa bùng phát từ tầng một rồi cháy lan ra cửa chính và tầng trên ngôi nhà 4 tầng.

Một số người dân trên phố Văn Cao cho biết, thời điểm xảy ra sự cố, bên trong quán bar có một số nhân viên nữ bên trong. Sau khi ngọn lửa bùng lên, họ chạy lên tầng thượng phát tín hiệu cầu cứu. Sau đó, có một nữ nhân viên may mắn chui được ra ngoài và được người dân địa phương ứng cứu kịp thời.

Sau khi nhận tin báo, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Quận Ngô Quyền đã triển khai lực lượng kịp thời cùng các lực lượng của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an TP khẩn trương xử lý, sơ tán người, di chuyển tài sản, vật dụng gây nổ ra khỏi khu vực dễ cháy, ngăn không cho cháy lan sang các khu vực xung quanh.

Vụ cháy khiến 3 người trong quán tử vong, 1 người may mắn thoát ra ngoài. Đến cuối giờ chiều 12/5, thi thể các nạn nhân đã được đưa ra khỏi hiện trường.

Chỉ sau đó 1 ngày, khoảng 7h44 ngày 13/5, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy tại ngôi nhà 4 tầng, số 26 Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội. Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP nhanh chóng điều động Công an quận Hà Đông, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực IV xuống hiện trường làm nhiệm vụ.

Đến khoảng 8h15 cùng ngày, đám cháy được khống chế và dập tắt. Quá trình kiểm tra các tầng phát hiện 4 nạn nhân đã tử vong và một người bị bỏng. Trong số 4 nạn nhân tử vong, có 3 trẻ em và 1 người già.

Lực lượng chữa cháy sớm có mặt trong cả 2 vụ việc

Tại cả 2 vụ cháy, theo báo cáo của cơ quan chức năng và các nhân chứng tại hiện trường, sau khi nhận được tin báo cháy, các lực lượng cứu nạn cứu hộ đều rất nhanh chóng được điều động đến địa điểm xảy ra cháy để triển khai công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Tại công trình ở Hải Phòng, cơ quan chức năng xác định, ngôi nhà cao 4 tầng, ngọn lửa bốc lên từ tầng một sau đó lan rộng ra xung quanh ngôi nhà rộng 90m2.

Do quán bar thiết kế theo kiểu nhà ống khép kín, chỉ có một cửa trước nên ngọn lửa bốc rất mạnh, làm biến dạng cửa cuốn ở tầng một. Khói và lửa nhanh chóng bao trùm lên toàn bộ bên trong ngôi nhà.

Còn căn nhà xảy ra cháy ở Hà Nội có diện tích khoảng 40m2, cao 3 tầng, 1 tum thông thoáng, có thể thoát nạn sang nhà bên cạnh và xuống dưới, diện tích sân trước khoảng 5m2 (lợp mái tôn), kết cấu chính bê tông cốt thép, tường xây gạch.

Khi lực lượng có mặt, lửa và khói đã bao trùm toàn bộ ngôi nhà. Cửa chính và các tầng của ngôi nhà đều đóng kín cửa sắt, chuồng cọp kiên cố khiến lực lượng mất thời gian phá tiếp cận chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn.

Điều đáng tiếc là ở trong cả 2 vụ cháy, mặc dù sau khi nhận được tin báo, lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã nhanh chóng, kịp thời có mặt khống chế đám cháy nhưng số nạn nhân sống sót được lại quá ít.

Trong vụ cháy ở Hà Đông, Hà Nội, phía trước ngôi nhà bị bọc kín bằng chuồng cọp khiến lực lượng chữa cháy gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận
Trong vụ cháy ở Hà Đông, Hà Nội, phía trước ngôi nhà bị bọc kín bằng chuồng cọp khiến lực lượng chữa cháy gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận

Vấn đề liên quan đến thiết kế của các công trình?

Nguyên nhân tỉ lệ tử vong cao trong cả 2 vụ việc nêu trên và nhiều vụ việc khác đều có điểm chung bắt nguồn từ thiết kế của các công trình nơi xảy ra hoả hoạn. Đó là thiết kế kiểu nhà ống khép kín hoặc có gia cố chuồng cọp kiên cố.

Nhà ống thường chỉ được thiết kế có một cầu thang, vì vậy, khi có hỏa hoạn xảy ra khói, khí độc dễ lan nhanh theo trục đứng lên các tầng trên. Trong khi 3 mặt nhà đều là tường, chỉ có mặt trước nhà là có cửa sổ, vì vậy khả năng thông gió, thoát khói thường rất hạn chế.

Ngoài ra, lo ngại tội phạm đột nhập trộm cắp tài sản nên gia chủ thường yêu cầu xây nhà kín đáo và khóa cửa nhiều lớp, không làm lối trổ lên mái hay cửa hậu và xây kín ban công bằng khung sắt kiên cố nên khi sự cố hỏa hoạn, thì không có lối thoát hiểm khẩn cấp hoặc dự phòng.

Khi được hỏi về việc xây dựng nhà kiên cố, không có lối thoát hiểm, chị Vân Anh (người dân trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho hay “dù biết là nguy hiểm nhưng do diện tích đất nhà chị quá bé, lại ở sâu trong ngõ ngách nên muốn xây dựng để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy là không thể”. Chị cũng cho biết thêm rằng “mình chỉ cố gắng phòng tránh cháy nổ tối đa thôi chứ nếu đã xui thì cũng dính (hoả hoạn) thôi!”.

Quận Đống Đa là địa bàn ở Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy thương tâm khiến nhiều người thiệt mạng vào tháng 4/2022 cũng liên quan đến thiết kế nhà dạng ống không có lối thoát hiểm. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho rằng, mặc dù các lực lượng chức năng đã triển khai tuyên truyền đến từng hộ dân, nhưng đối với những ngôi nhà ống không có lối thoát hiểm như thế này thì nguy cơ xảy ra cháy sẽ vẫn còn chực chờ, và còn cháy thì còn thương vong.

"Thiết kế nhà kín mít, khói hun lên trên thì người dân sẽ chết ngạt trước khi chết cháy.... Không chỉ vụ cháy này mà nhiều vụ khác, chưa cháy xong thì nạn nhân đã tử vong rồi, vì họ không còn lối thoát nên khói hun lên đặc quánh là có thể ngất lịm đi, sau đó tử vong. Tức có thể vừa mới cháy nhưng hậu quả nặng nề đã xảy ra", vị lãnh đạo này giải thích thêm.

Hà Nội: Cháy nhà 4 tầng lúc sáng sớm, 5 người trèo qua ban công để thoát thân
Công an TP Hải Phòng khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi xảy ra cháy ô tô, xe máy
Đảm bảo an toàn giao thông, chủ động phòng cháy chữa cháy trong điều kiện khắc nghiệt

Duy Minh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.