Cần đánh giá kỹ tác động của việc tăng học phí

Ngày 27/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81 để áp dụng từ năm học 2022-2023. Tuy nhiên, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta, để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh thì Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 ngày 20/12/2022 về giữ nguyên mức học phí các cơ sở giáo dục công lập qua 3 năm học 2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023. Nhưng nếu hết năm học này, theo đúng lộ trình, học phí nhiều cấp học sẽ tăng, không chỉ bậc ĐH.
Trên thực tế, có không ít thí sinh khi đỗ được vào ĐH, nhưng vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn nên không thể theo học
Trên thực tế, có không ít thí sinh khi đỗ được vào ĐH, nhưng vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn nên không thể theo học

Mức thu học phí theo lộ trình tại Nghị định 81/2021 là cần thiết?

Trên cơ sở thực tế, Bộ GD&ĐT đang đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí theo hướng lùi thêm 1 năm so với lộ trình cũ tại Nghị định 81 của Chính phủ (tức là dự kiến áp dụng từ năm học 2023-2024). Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, Bộ GD&ĐT đề xuất không quy định mức sàn học phí vì hiện nay có nhiều địa phương thuộc vùng địa bàn khó khăn (Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Kiên Giang...) đang quy định thấp hơn mức sàn tại Nghị định 81.

Theo phản ánh của các cơ sở giáo dục, việc giữ ổn định học phí đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện kinh tế còn hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hàng năm, đặc biệt là với các trường ĐH công lập, nguồn thu học phí chiếm tỷ trọng trên 80% tổng nguồn thu của trường. Vì thế, nhu cầu được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ là cần thiết để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, từ phía người học, gia đình và xã hội, mức tăng học phí cần hợp lý, không thể dồn gánh nặng lên vai người học. Cùng với đó, cần đánh giá kỹ tác động, giải “bài toán” tổng thể về chính sách học phí mầm non, giáo dục phổ thông. Bởi chính sách học phí luôn có ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội tới trường của các em học sinh thuộc diện khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại cuộc họp với Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nêu rõ thực hiện chính sách học phí đối với bậc học mầm non, giáo dục phổ thông công lập phải được đánh giá kỹ tác động, giải “bài toán” tổng thể về các nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế; nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm mục tiêu phổ cập giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) với vai trò chủ đạo của Nhà nước.

Phó Thủ tướng cho rằng tăng học phí mầm non, giáo dục phổ thông công lập là vấn đề có tác động xã hội rất lớn, vì vậy, phải được tính toán, triển khai một cách căn cơ, bài bản, tổng thể, trên tinh thần nhân văn, không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của những đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu “không làm thay đổi mục tiêu thực hiện phổ cập mầm non, tiểu học, trung học cơ sở” và nguyên tắc: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cung cấp dịch vụ giáo dục cơ bản cho 100% học sinh mầm non, giáo dục phổ thông. Đây là chủ trương hết sức nhân văn, thể hiện tính ưu việt của chế độ.

Do đó, Bộ GD&ĐT cần tính toán nguồn ngân sách dành cho giáo dục từ các chương trình mục tiêu quốc gia (xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…); ngân sách tiết kiệm được khi thực hiện tự chủ đối với những cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở địa bàn có điều kiện thuận lợi trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí. Từ đó, có phương án cụ thể về nguồn ngân sách nhà nước cấp bù phần học phí tăng thêm của mầm non, giáo dục phổ thông công lập cho các nhóm đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế...

Ngoài ra, đối với học phí giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, cần sửa đổi Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để có lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, nghề nghiệp. Khối giáo dục phổ thông còn đang chờ những quyết định của Chính phủ về việc có được hoãn tăng học phí một năm nữa hay không, còn khối ĐH, CĐ, năm học này, học phí đã tăng “chóng mặt”. Vì thế, lựa chọn ngành/trường học phù hợp với năng lực, cơ hội việc làm và túi tiền là bài toán cân não đối với thí sinh.

Những tác động bất lợi cần “lời giải” sớm

Theo tính toán, với mức học phí được quy định trong Nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được các trường áp dụng từ năm học 2023 - 2024, học phí thấp nhất với trường ĐH công lập chưa tự chủ là từ trên 13 - 27 triệu đồng/năm học. Với các trường ĐH bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên, khoảng 28,2 - 55,2 triệu đồng. Những trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần, tương đương 70,5 - 138 triệu đồng/năm học. Mức học phí này còn tăng hằng năm không quá 10%. Như vậy, sau một khóa học, học phí và chi phí sinh hoạt của một sinh viên xa nhà lên đến con số gần nửa tỷ đến gần 1 tỷ đồng.

Đưa ra lời khuyên với các sinh viên, nhiều chuyên gia cho rằng, thí sinh có điều kiện bình thường, hoặc khó khăn nên chọn các trường chưa tự chủ, hoặc tự chủ cấp 1, hoặc cấp 2. Ngoài ra, sinh viên có thể vay ngân hàng chính sách xã hội để chi trả. Tăng học phí là bắt buộc với xu thế chung với tất cả các trường để đảm bảo chi thường xuyên, và sự phát triển.

Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu thêm trường thí sinh muốn vào có nhiều nguồn học bổng hỗ trợ cho sinh viên không. Thí sinh cũng cần tìm hiểu ngành muốn học nhu cầu xã hội như thế nào, có phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và nguồn lực phát triển của đất nước không. Thí sinh không nên lựa chọn ngành học vì thích nhàn, kiếm tiền nhanh, nhưng xã hội đang dư thừa nguồn cung lao động.

Việc tăng học phí cũng cần cân nhắc một số yếu tố bởi nếu mức học phí cao sẽ gây cản trở mức độ tiếp cận giáo dục ĐH của nhóm thí sinh có điều kiện kinh tế hạn chế. Trên thực tế, có không ít thí sinh khi đỗ được vào ĐH, nhưng vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn nên không thể theo học. Không chỉ học sinh mà ngay cả những sinh viên đang theo học cũng trăn trở trước thông tin học phí tăng.

Bên cạnh lộ trình tăng học phí, người học cũng cần chú ý cách tính học phí của các trường, bởi có trường tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường tính theo tín chỉ. Trong khi học phí tăng thì mức cho vay đối với sinh viên còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các em.

Thêm nữa, với mức học phí cao, cha mẹ và học sinh thấy đây giống một khoản đầu tư cho tương lai nên việc lựa chọn ngành, lĩnh vực nào ra trường dễ xin việc, có thu nhập cao là điều người học hướng tới. Điều đó dẫn đến hệ lụy là một số ngành cần thiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển bền vững nhưng có học phí cao rất khó tuyển thí sinh.

Kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH 2023: Những điều cần lưu ý
Các trường Đại học đồng loạt tăng học phí trong năm học 2023-2024

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.