Hà Nội còn hơn 84.000 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Hết tháng 4, toàn TP Hà Nội còn hơn 84.000 đơn vị chậm đóng với số tiền 5.253 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi là hơn 1.752 tỷ đồng, bằng 2,73% so với tổng số tiền cần thu.
Hà Nội còn hơn 84.000 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Hà Nội còn hơn 84.000 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn chưa giảm.

Hết tháng 4, toàn thành phố còn hơn 84.000 đơn vị chậm đóng với số tiền 5.253 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi là hơn 1.752 tỷ đồng, bằng 2,73% so với tổng số tiền cần thu. Đáng quan tâm là số tiền chậm đóng kéo dài từ 12 tháng trở lên, khó thu hồi là hơn 1.725 tỷ đồng, chiếm 32,97% tổng số tiền chậm đóng hiện hữu.

Nhằm khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, riêng tháng 4/2023, các cơ quan chức năng tiến hành 390 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, qua đó nhắc nhở các đơn vị sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định về BHXH. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, các bên liên quan đã thực hiện 1.341 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị liên quan.

Kết quả, các đơn vị đã khắc phục tình trạng chậm đóng với số tiền gần 137 tỷ đồng; yêu cầu đóng và truy đóng với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng do đóng thiếu số lao động, đóng thiếu thời gian thực tế người lao động làm việc hoặc đóng thiếu mức quy định. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn phát hiện, xử phạt và kiến nghị UBND TP Hà Nội xử phạt hành chính về hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với 9 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 1,17 tỷ đồng.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, trong thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi vi phạm chính sách.

Theo đại diện lãnh đạo BHXH TP Hà Nội, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm.

Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng. Tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định rõ, người có hành vi vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng; Phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm, tùy theo mức độ vi phạm.

BHXH TP Hà Nội xác định năm 2023, tình hình kinh tế xã hội dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với khó khăn, thách thức nhiều hơn… do đó, công chức, viên chức, người lao động BHXH thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, lãnh đạo thành phố Hà Nội… triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Cùng với đó, cần phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho viên chức, người lao động tập trung đôn đốc thu, giảm chậm đóng, không để phát sinh chậm đóng đóng BHXH, BHTN, BHYT ngay từ đầu năm; Thường xuyên rà soát cơ sở dữ liệu người người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Tổ chức thanh tra chuyên ngành, thanh tra, kiểm tra đột xuất; Kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.

Hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Cảnh báo mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Người lao động cần làm gì khi công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội?

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.